Khám cho bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tuỷ đang điều trị tại BVTW Huế |
ThS.BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế thông tin: "Chương trình là cơ hội cho người bệnh bạch cầu mạn dòng tủy được tư vấn kiến thức, trao đổi thông tin, giải đáp các thắc mắc về bệnh; giúp cho người bệnh hợp tác và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ; từ đó góp phần quản lý và điều trị tốt bệnh nhân ngoại trú, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, giảm thiểu những gánh nặng cho gia đình, xã hội do bệnh lý này gây ra”.
Bạch cầu mạn dòng tủy (CML) là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh lý tủy tăng sinh, trong đó các tế bào bạch cầu dòng tủy tăng sinh quá mức, nhưng vẫn còn khả năng biệt hóa, hậu quả là số lượng bạch cầu dòng tủy tăng cao ở máu ngoại vi với đầy đủ giai đoạn phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 20% trong tất cả các bệnh ung thư. Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh một cách chắc chắn, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh sinh: phóng xạ, hóa chất.
Phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh CML là sử dụng các thuốc ức chế men tyrosine kinase. Ở Việt Nam hiện tại có hai loại thuốc ức chế men Tyrosine Kinase được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào sử dụng, được bảo hiểm y tế chi trả: Thế hệ 1 là Imatinib và thế hệ 2 là Nilotinib. Phương pháp ghép tế bào gốc chỉ áp dụng cho các trường hợp tiến triển không đáp ứng thuốc hoặc có gen đột biến kháng thuốc.
ThS.BSCKII Tôn Thất Minh Trí – Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu cho biết, BVTW Huế đang quản lý trên 200 bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tuỷ.
Ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh trong khu vực như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai...
Hầu hết bệnh nhân có xét nghiệm gen BCR-ABL hoặc NST Ph1 dương tính đều được tư vấn dùng thuốc điều trị đích ức chế men tyrosine kinase nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống. Trước đây, chi phí điều trị thuốc này khá cao, nhờ có các chương trình hỗ trợ và gần đây được bảo hiểm y tế chi trả 80%, góp phần giảm bớt gánh nặng điều trị cho bệnh nhân.