Chuyển đổi giáo dục được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu để đạt được các SDG. Ảnh: Shutterstock |
Nghiên cứu đánh giá 50 chỉ số SDG ở 90 quốc gia, chiếm 3/4 dân số toàn cầu. Phân tích cho thấy 48 nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với sự thiếu hụt khoảng 337 tỷ USD/năm cho các chỉ số liên quan đến biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.
Đáng chú ý, bình đẳng giới và đảm bảo an ninh lương thực đòi hỏi chi phí cao nhất, trong khi bảo trợ xã hội và tạo việc làm lại ít tốn kém nhất, mặc dù nó bao phủ nhiều mục tiêu quan trọng đối với cuộc sống con người.
Theo UNCTAD, việc tìm kiếm loại hình đầu tư này có thể sẽ vô cùng khó khăn đối với các quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhưng giải pháp nằm ở việc phân bổ kinh phí cho các lĩnh vực xuyên suốt, chẳng hạn đầu tư cho giáo dục sẽ thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nghèo và kích thích đổi mới để đạt được tiến bộ trong tất cả các SDG.
Sáu lĩnh vực chuyển đổi
Phân tích tập trung vào sáu “lộ trình” mang tính chuyển đổi để phát triển bền vững, bao gồm: bảo trợ xã hội và việc làm bền vững, chuyển đổi giáo dục, hệ thống lương thực, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, chuyển đổi năng lượng và số hóa toàn diện.
Nó bao gồm các chỉ số từ giảm phát thải khí nhà kính và tăng độ che phủ rừng được bảo vệ đến đảm bảo khả năng tiếp cận điện và internet toàn cầu, thúc đẩy xóa mù chữ, chống đói và giảm tử vong có thể phòng ngừa được.
Ngoài ra, UNCTAD cho biết có những thiếu sót lớn trong xu hướng chi tiêu quốc gia hướng tới sự bền vững. Khoảng cách lớn nhất là về số hóa toàn diện, ở mức 468 tỷ USD/năm. Việc thu hẹp khoảng cách này sẽ đòi hỏi chi tiêu hàng năm tăng 9%.
Ngược lại, lộ trình bảo trợ xã hội và việc làm bền vững lại có khoảng cách nhỏ nhất, ở mức 294 tỷ USD/năm, đòi hỏi mức chi tiêu hàng năm tăng 6%.
Báo cáo của UNCTAD cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu khi hiện nay, khoảng 3,3 tỷ người đang sống ở các quốc gia phải chi trả lãi vay cao hơn là đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục và y tế.
Cơ hội
Bất chấp những khó khăn, dữ liệu cho thấy vẫn có nhiều cơ hội. Ví dụ, hành động nhanh chóng trên toàn cầu nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính cho bình đẳng giới có thể giúp hầu hết trong số 48 nền kinh tế đang phát triển đáp ứng hơn 60% các chỉ số bình đẳng giới trong nghiên cứu.
Cũng theo phân tích, các quốc gia sẽ phải tốn khoảng 78 USD/người/năm để khắc phục tình trạng thiếu hụt chi tiêu hiện tại ở 48 nền kinh tế đang phát triển.
UNCTAD nhấn mạnh rằng trong bối cảnh thế giới chưa đạt được các SDG, những người ra quyết định cần khẩn trương ước tính chi phí chi tiết để định hướng cho các lựa chọn đầu tư và chi tiêu quốc gia.
Được xuất bản vào ngày 18/9 vừa qua khi các nhà lãnh đạo toàn cầu gặp nhau tại New York, Mỹ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh SDG của LHQ, báo cáo đã kịp thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động nhanh chóng và có mục tiêu để đạt được các SDG vào năm 2030.