An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề khách du lịch rất quan tâm |
Nỗi lo an toàn thực phẩm
Cơ quan chức năng đã có kết luận về vụ việc 313 người, trong đó có du khách quốc tế bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An. Nguyên nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn Salmonella có trong thịt heo xíu, rau xà lách, hành, rau răm, dưa leo. Mặc dù chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, song, từ vụ việc đáng tiếc này cho thấy, vấn đề ATVSTP tại các điểm du lịch vẫn luôn “nóng”. Không đơn thuần là việc đảm bảo ATVSTP, mà còn là vấn đề bảo vệ, giữ vững thương hiệu du lịch mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã và đang dày công xây dựng.
ATVSTP tại các điểm du lịch không chỉ là nỗi lo của khách du lịch mà còn là trăn trở của cả ngành du lịch. Không phải cơ sở du lịch nào cũng đảm bảo tốt ATVSTP trong dịch vụ ăn uống, nhất là ở các điểm du lịch, lễ hội... Hành vi sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, chưa được ngăn chặn hiệu quả, nên nguồn nguyên liệu phục vụ dịch vụ ăn uống khó bảo đảm tốt về ATVSTP.
Du khách Nguyễn Thành Phong (Hải Dương) chia sẻ, ẩm thực tại Huế rất ngon. Đối với khách, trải nghiệm mà nhiều người mong muốn là “kéo ghế”, la cà một số quán ngon lề đường với các món ăn dân dã. Thế nhưng, một số nơi chưa chú trọng khâu ATVSTP. Đầu năm 2023, mạng xã hội TikTok xôn xao khi việc nữ TikToker đăng clip một quán ốc ở TP. Huế có ruồi trong thức ăn. Thậm chí, cô tỏ ra vô cùng bức xúc về cách phục vụ và vật dụng bẩn của quán. Với một thành phố du lịch như Huế, điều đó gây ảnh hưởng rất lớn.
Theo một số chuyên gia, không chỉ các điểm dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, mà một số nhà hàng, khách sạn cũng khó chọn lọc để quản lý ATVSTP, bảo đảm thực phẩm, phụ gia không nhiễm vi sinh, không chứa hóa chất bị cấm. Đó là một thực trạng khó có thể làm ngơ, bởi du khách, nhất là du khách nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng môi trường du lịch, đặc biệt là ATVSTP. Trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, môi trường du lịch đẹp thôi vẫn chưa đủ, mà rất cần thực sự xanh, sạch và an toàn. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển du lịch Thừa Thiên Huế.
Thông thường, các đơn vị lữ hành sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng ATVSTP của các nhà hàng, khách sạn trước khi đưa vào tour. Tiêu chí đầu tiên là phải sạch sẽ. Đảm bảo những thức ăn đặt lên bàn ăn của thực khách là thực phẩm sạch và an toàn tuyệt đối. Đó cũng là trách nhiệm của bất cứ đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn nào. Tuy vậy, không phải không có nhà hàng, khách sạn sai phạm về ATVSTP, do chủ quan hoặc do sự cố ngoài tầm kiểm soát, khiến du khách bị ngộ độc thực phẩm. Còn đối với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ dịch vụ ăn uống, nhất là các điểm du lịch, lễ hội, nguy cơ mất ATVSTP vẫn đang hiện hữu.
Siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của khách du lịch. Ngày nay, du khách ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn trong việc đảm bảo sự an toàn trong từng bữa ăn của họ, cũng vì thế ATVSTP trở thành yếu tố hàng đầu trong phát triển du lịch.
Giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó nhận thức về vấn đề ATVSTP phải đặt lên hàng đầu. Các nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn ATVSTP nhằm đạt được sự tin tưởng cao nhất từ khách hàng. Để làm được điều đó, yêu cầu và cũng là giải pháp là chọn những nhà cung cấp thực phẩm uy tín, và có quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm nghiêm ngặt, để các món ăn đảm bảo ATVSTP. Từ chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đến người quản lý, mỗi nhân viên phục vụ phải hiểu và có ý thức cao trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATVSTP.
Ngành du lịch và các cơ quan chức năng cần thường xuyên có các đợt thanh tra, kiểm tra chất lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Nếu phát hiện có khách sạn nào không đảm bảo tốt về ATVSTP, thì cơ quan chuyên môn về du lịch mạnh tay hạ xếp hạng sao. Đồng thời, xử lý mạnh tay với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xem thường vấn đề ATVSTP.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch và các ban, ngành, đơn vị có liên quan đang cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”. Những vấn đề hạn chế, tồn tại trong phát triển du lịch; trong đó, có nỗi lo ATVSTP được quan tâm bằng nhiều giải pháp, hướng đến sự hài lòng của du khách.