Ngày Nhà giáo Thế giới năm nay có chủ đề "Chúng ta cần giáo viên cho nền giáo dục mà chúng ta mong muốn: Yêu cầu cấp thiết toàn cầu về đảo ngược tình trạng thiếu giáo viên". Ảnh minh họa: Yahoo News/TTXVN |
Nhân Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10), UNESCO đã chỉ ra khoảng trống 44 triệu giáo viên, mà nếu không có họ thì thế giới sẽ không thể cung cấp giáo dục tiểu học và trung học cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Trong đó, cơ quan này cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở việc thiếu hụt kinh phí, mà còn ở “sự kém hấp dẫn” của nghề nghiệp.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh, trong khi một số khu vực trên thế giới thiếu hụt các ứng viên cho công việc này, thì những khu vực khác phải đối mặt với tỷ lệ bỏ việc rất cao trong vài năm đầu làm việc. “Trong cả hai trường hợp này, câu trả lời giống nhau: chúng ta phải đánh giá cao hơn, đào tạo tốt hơn và hỗ trợ tốt hơn đối với các giáo viên”, bà Audrey Azoulay nói thêm.
Đáng chú ý, theo UNESCO, khu vực Nam Á đang phải trải qua tình trạng thiếu hụt giáo viên lớn nhất trên toàn thế giới, ở mức 7,8 triệu giáo viên; trong khi đó, chỉ tính riêng khu vực châu Phi cận Sahara đã chiếm 1/3 tổng số giáo viên thiếu hụt hiện nay trên toàn cầu.
Tại 79 quốc gia được UNESCO nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn lý do của tình trạng thiếu hụt nói trên, tỷ lệ nghỉ việc của các giáo viên tiểu học gần như tăng gấp đôi, từ mức 4,6% trong năm 2015 lên mức 9% vào năm 2022.
Cũng theo cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ), có 3 yếu tố chính, nổi bật trong đó là điều kiện làm việc kém, mức độ căng thẳng cao và mức lương thấp.
Qua đó, UNESCO đưa ra một số khuyến nghị tới các quốc gia nhằm cải thiện tình trạng này, bao gồm đầu tư vào mức lương và phúc lợi mang tính cạnh tranh, cải tiến các chương trình đào tạo giáo viên và cố vấn, cũng như tiếp cận tư vấn sức khỏe tâm thần.