Triển khai thi công nâng cấp Quốc lộ 49 qua địa bàn huyện A Lưới |
Theo Văn phòng Quản lý đường bộ 2.5, QL 49 từ km25 (cầu Tuần) đến km78 (Bốt Đỏ) được thiết kế quy mô đường cấp V miền núi với nhiều điểm đèo dốc, thường xuất hiện hiện tượng sạt lở taluy vào mùa mưa bão, gây chia cắt giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Hàng năm, công trình được sửa chữa bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ, tuy nhiên do nguồn bảo trì còn hạn chế nên chỉ đáp ứng duy trì giao thông tạm thời.
Từ tháng 6/2023, DA Cải tạo các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên tuyến QL 49 qua địa bàn tỉnh được triển khai thi công với tổng mức đầu tư gần 85 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ, do Khu Quản lý đường bộ II (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
DA được triển khai với quy mô xử lý 37 điểm trên tuyến QL, nhằm cải thiện bình diện để các yếu tố hình học tuyến cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật của đường cấp IV miền núi. Đào bạt tầm nhìn, mở rộng mặt đường, gia cố lề và sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước hiện hữu. Ngoài ra, DA còn đầu tư hệ thống an toàn giao thông, để cải thiện tình trạng mất an toàn giao thông cũng như nâng cao khả năng khai thác, tuổi thọ công trình.
Trong đó, đoạn tuyến qua địa bàn huyện A Lưới sẽ xử lý, cải tạo 15 vị trí nguy hiểm, tiền ẩn TNGT từ Km50+450- Km77+400. Nhiều năm nay, đoạn QL 49 qua địa bàn huyện A Lưới “nổi tiếng” với một số điểm từ Km74+260- Km 77+100 và một số điểm trên đèo Tà Lương, Kim Quy, A Co với nhiều khúc cua hẹp, khuất tầm nhìn, mặt đường hiện trạng có đoạn chỉ hơn 4-5m với một bên là núi đá và vực sâu.
Nhiều điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên Quốc lộ 49 được đào bạt, mở rộng tầm nhìn |
Thời gian qua, xuất hiện nhiều phương tiện chở than, keo tràm tải trọng lớn dẫn đến gây mất an toàn giao thông qua địa bàn. Cơ quan chức năng đã tiến hành cấm các phương tiện xe tải theo khung giờ, nhưng về cơ bản việc đảm bảo an toàn giao thông vẫn còn nhiều bất cập nếu không sớm triển khai nâng cấp tuyến quốc lộ.
Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ (A Lưới) cho biết, hiện trạng của QL 49 hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Địa bàn xã có đèo Tà Lương với cao độ dốc lớn, khúc cua hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo thiết kế mở rộng QL 49, xã GPMB 6 điểm phục vụ thi công, giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Để cải tạo, đơn vị thi công phải đào bạt taluy dương, mở rộng mặt đường để nắn tuyến. Với việc mở rộng mặt đường, đào bạt, thảm nhựa bê tông… sẽ góp phần mở rộng tầm nhìn, đảm bảo an toàn giao thông qua địa bàn.
Theo Văn phòng Quản lý đường bộ 2.5 (Khu Quản lý đường bộ II, Bộ GTVT), hiện công trình đã đạt hơn 70% khối lượng công việc. Một số điểm thi công đã tiến hành đào bạt xong, làm xong móng và tiến hành thảm nhựa mặt đường; một số vị trí đang tiến hành đào bạt taluy dương, làm tường chắn taluy âm…
Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh – Phó Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ 2.5 cho biết, nhìn chung hiện nay tiến độ thi công công trình đáp ứng tiến độ giải ngân vốn. Nhà thầu đang huy động thêm máy móc, nhân lực thi công hoàn thiện các hạng mục cơ bản còn lại.
Ngoài ra, hiện trên tuyến còn vướng mắc công tác GPMB tại 2 điểm Km37+700- Km38+00 và Km 38+350- Km 38+650 nắn tuyến mới hoàn toàn qua đất nhà người dân, nhưng công tác đền bù vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay người dân vẫn cho “mượn” mặt bằng triển khai thi công ngang công đoạn cấp phối mặt đường.
Với việc xử lý, đào đắp 37 điểm trên tuyến Quốc lộ 49 làm hàng trăm nghìn m3 đất dôi dư từ công trình phải mang đi đổ thải. Trong đó, huyện A Lưới xử lý 15 điểm với hơn 120 nghìn m3 đất đá dôi dư đã được đổ thải tại 8 vị trí thuộc một số diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới, chính quyền địa phương quản lý.
Ông Đặng Nguyễn Ngọc Linh cho biết, một số khối lượng đất đôi dư từ công trình được tận dụng đắp lại các taluy âm, còn lại mang đi đổ các bãi thải. DA có khối lượng đào đắp lớn, chủ đầu tư đã làm việc với UBND huyện A Lưới để thống nhất các điểm đổ thải và quản lý vật chất dôi từ công trình nhằm đảm bảo công tác môi trường trong khu vực.