Các lực lượng chức năng phối hợp tháo dỡ các bẫy cò

Chiều 6/10, khi ngang qua tuyến đường vào suối Mơ (huyện Phú Lộc), chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang làm bẫy cò giữa đường. Gần đó là cánh đồng với đàn cò trắng có số lượng lớn đang đậu. Đáng nói là nhóm người này ngang nhiên công khai làm bẫy cò ngay giữa đường, dù những ngày qua, các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền ngăn chặn tình trạng bẫy chim trời mùa di cư.

Theo những người dân tại địa phương, nạn “cò tặc” lộng hành rất đáng bức xúc. Cứ đến khoảng tháng 9 và tháng 10 hằng năm là mùa các loài chim thường di cư trên những cánh đồng, các lùm cây ven đầm phá thì nạn bẫy bắt chim trời, cò với nhiều hình thức khác nhau lại xảy ra. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể chim di cư đang tìm nơi trú ngụ.

Trao đổi với lãnh đạo đơn vị chức năng, ông Phan Viết Phúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết, thực trạng giăng bẫy, săn bắt cò tại nhiều địa phương, trải dài từ xã Lộc Bổn đến thị trấn Lăng Cô, bất chấp lực lượng chức năng liên tục triển khai các đợt truy quét và xử lý.

 Tiêu hủy cò phao xốp

Theo ông Phúc, ngay sáng 5/10, lực lượng liên ngành gồm: kiểm lâm, chính quyền địa phương, Công an Thị trấn Lăng Cô, Đồn Biên phòng Lăng Cô, Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân vừa ra quân với tổng số 13 người tháo gỡ bây cò tại 3 điểm (bãi) tại các Tổ dân phố Lập An, An Cư Tây, Hói Dừa. Lực lượng chức năng đã phát hiện và tiêu hủy tại hiện trường tổng số 10.000 que nhựa đơm cò, 1.500 cò phao xốp, chặt phá hủy 2 giàn bẫy cò tại ở Sông Hói Dừa. Lực lượng chức năng cũng xử lý tình trạng tương tự tại xã Lộc Sơn.

Nhằm cứu các loài chim hoang dã thoát nạn “tận diệt”, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã liên tục có các chỉ đạo với đơn vị kiểm lâm trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép, triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên; các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Gỡ bẫy, đưa cò về với thiên nhiên

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc Phan Viết Phúc cho biết, do lực lượng mỏng (chỉ 12 người), trong khi tình trạng giăng bẫy, săn bắt cò và các loại chim trời xảy ra nhiều nơi, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng dân quân, các đoàn thể tại các xã, thị trấn và các lực lượng chức năng có liên quan tiến hành truy quét, xử lý, lập biên bản kiểm tra, tháo dỡ các loại bẫy chim trời theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 09/01/2020 của UBND tỉnh; ra quân tháo gỡ và tiêu hủy các dụng cụ bẫy như cò mồi xốp, lưới, que dính keo… Tinh thần triển khai quyết liệt, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Đồng thời, triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên để giải cứu cò trắng và chim trời dính bẫy, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để ngăn chặn tình trạng “tận diệt” chim trời.

Hiện, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tham gia săn bắt, mua bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trái pháp luật.

H. PHÚC