Dự báo suy thoái thương mại vào năm 2023 là nguyên nhân gây lo ngại vì những tác động tiêu cực đến mức sống của người dân trên toàn thế giới. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN/Vietnam+ |
Thêm vào đó, những căng thẳng trong thị trường bất động sản rộng lớn của Trung Quốc cũng khiến WTO cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại xuống chỉ còn 0,8% trong năm nay, chưa bằng một nửa so với mức tăng trưởng dự kiến trước đó.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết: “Dự báo suy thoái thương mại vào năm 2023 là nguyên nhân gây lo ngại vì những tác động tiêu cực đến mức sống của người dân trên toàn thế giới”.
Lý giải về điều này, trong một dự báo thương mại toàn cầu đã sửa đổi, WTO chỉ ra rằng khối lượng thương mại hàng hoá thế giới dự kiến sẽ tăng 0,8% trong năm nay, chưa bằng một nửa mức tăng 1,7% được dự báo vào tháng 4. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cho năm 2024 có thể sẽ ở mức 3,3%, gần như không thay đổi so với ước tính trước đó là 3,2%.
WTO dự kiến, GDP thế giới sẽ tăng 2,6% theo tỷ giá hối đoái thị trường trong năm 2023 và chạm mốc 2,5% vào năm 2024.
WTO nhận định, sự sụt giảm liên tục trong thương mại hàng hoá bắt đầu từ quý 4/2022 đã khiến các nhà kinh tế của WTO phải điều chỉnh lại dự báo thương mại của họ cho năm 2023, trong khi vẫn duy trì triển vọng tích cực cho năm 2024.
Nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa cho rằng tăng trưởng khối lượng xuất nhập khẩu tích cực sẽ tiếp tục được chứng kiến vào năm 2024, nhưng chúng ta phải tiếp tục cảnh giác.
Các lĩnh vực nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh doanh dự kiến sẽ ổn định và hồi phục khi lạm phát giảm và lãi suất ban đầu giảm.
Trong đó, dự báo của WTO không bao gồm thương mại dich vụ, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực này có thể sẽ vừa phải hơn sau sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải và du lịch ghi nhận vào năm 2022.
Cùng với đó, sự suy giảm trong tăng trưởng thương mại hàng hoá dường như có quy mô rộng, bao trùm nhiều quốc gia và nhiều loại hàng hoá, đặc biệt là khi một số lĩnh vực đang bị ảnh hưởng mạnh hơn như sắt, thép, thiết bị văn phòng và viễn thông, dệt may…
WTO cho biết: “Nguyên nhân chính xác của sự chậm lại này vẫn chưa rõ ràng, nhưng lạm phát, lãi suất cao, đồng dollar Mỹ tăng giá và căng thẳng địa chính trị đều là những yếu tố góp phần”.
Tổ chức cũng cho hay, khủng hoảng bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang ngăn cản sự phục hồi mạnh mẽ hơn bắt rễ ở nước này, sau tác động của các lệnh phong toả nghiêm ngặt để chống dịch COVID-19.
Dù vậy, triển vọng thương mại cho năm 2024 vẫn sẽ tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, WTO cảnh báo sự chia rẽ tiềm tàng trong thương mại toàn cầu, giữa hai khối chính trị ở mỗi bên trong xung đột giữa Nga và Ukraine có thể có tác động tiêu cực.
“Chúng tôi đã thấy một số dấu hiệu trong dữ liệu về sự phân mảnh thương mại liên quan đến căng thẳng địa chính trị. May mắn thay, quá trình phi toàn cầu hoá rộng hơn vẫn chưa xuất hiện. Dữ liệu cho thấy hàng hoá tiếp tục được sản xuất thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp, nhưng mức độ của các chuỗi cung ứng này có thể đã chững lại, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn”, nhà kinh tế trưởng Ralph Ossa chia sẻ.
Nhận thấy sự nguy hiểm của việc phân mảnh kinh tế toàn cầu, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, các nước nên củng cố các khuôn khổ thương mại toàn cầu bằng cách tránh chủ nghĩa bảo hộ. Cụ thể, nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước nghèo sẽ gặp khó khăn trong việc phục hồi nếu không có một hệ thống thương mại đa phương ổn định, cởi mở, có thể dự đoán được, dựa trên luật lệ và công bằng.