Những cây mít ấy được cha tôi đem trồng từ hồi cha mẹ còn là cặp vợ chồng son lên mảnh đồi thoải này dựng lán ở riêng. Cha kể lại rằng, đó là những ngày hè nắng bỏng, cây mít non không chịu được sức nóng của thời tiết nên héo rụi dần rồi rụng lá trơ trọi. Vì thế, chiều chiều, cha mẹ lại thay phiên nhau lên con suối nhỏ tận bên kia đồi gánh nước về tưới tắm, cây mít mới nhú ra những chồi búp mới. Năm tháng trôi đi, cây mít non cứ âm thầm đón nắng vươn lên và chẳng biết tự bao giờ đã trở thành người bạn thân thiết chở che cho tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm của chị em tôi.

Nhiều buổi trưa rộn rã tiếng chim, chị em tôi vẫn ngồi lê bên những gốc mít già nhặt lá rụng, kết thành từng chiếc vương miện xinh xinh đội lên đầu làm hoàng tử, công chúa. Thấy thế, thương con, từ cành mít mập mạp và vững chắc nhất, cha tôi mắc một chiếc xích đu nhỏ để chị em tôi có chỗ đùa nghịch, vui chơi. Ngày ấy, mỗi lần cha mẹ đi làm nương cả ngày, chị em tôi chẳng dám đi chơi xa, chỉ lủi thủi quẩn quanh dưới bóng mát hiền hòa của tán mít xum xuê. Hết đọc sách lại líu ríu chơi trò đồ hàng cho đến khi nghe thấy tiếng xe đạp cút kít quen thuộc của cha vọng vào.

Chớm hạ, từ những nách lá tròn xanh bắt đầu đơm ra từng quả mít non nho nhỏ chừng bằng ngón tay cái còn lấm tấm phấn vàng. Thế là những buổi chiều nô đùa dưới gốc mít thêm phần thú vị. Bởi khi đói bụng, như một chú sóc, tôi thoăn thoắt trèo lên cây vặt lấy những dái mít xuống chia cho chị rồi chấm muối ớt ăn ngon lành. Vị “dái” mít đầu mùa chan chát, ngòn ngọt quyện hòa với vị muối ớt cay cay, bùi bùi như còn vương vấn đâu đây trong ký ức. Có những hôm, vì ăn nhiều dái mít, lại uống không ít nước lã, tôi quằn quại ôm bụng khóc ầm lên. Chị tôi hốt hoảng chạy vào nhà lấy lọ dầu, vừa nhẹ nhàng xoa lên bụng tôi, vừa dỗ dành mãi tôi mới chịu nín. Rồi ngày hôm sau, khi qua cơn đau bụng, tôi lại trèo lên cây vặt dái mít chấm muối ớt, nhấm nháp cả buổi chiều mà không biết chán.

Cữ tháng sáu, tháng bảy là mùa mít chín. Hương mít tỏa ra phưng phức, xôn xao. Nhà tôi trồng nhiều giống mít: mít mật, mít dai, mít nghệ... Mỗi thứ có một màu sắc và hương vị đặc trưng riêng. Chị tôi thích mít mật bởi nó mềm, ngọt và thơm đậm đà. Còn tôi lại thích mít dai, vị ngọt thanh, khi nhai cứ sần sật, giòn giòn rất vui miệng. Rồi có cả những quả mít còi cọc đợi mãi không chín được, mẹ tôi trẩy vào và chế biến thành nhiều món ăn lạ: nộm mít rau thơm, nhút mít xào mỡ, canh mít rô đồng, mít kho cá nục... Đối với tôi, những món ăn dân dã mà chứa chan tình mẹ ấy còn ngon hơn tất thảy những thứ sơn hào hải vị đắt tiền nào mà tôi từng được ăn trong đời.

Nhớ những năm mít được mùa, xung quanh gốc có những quả mít to bằng chiếc rổ sảo. Mấy cha con phải chung tay khênh đỡ mới đem được vào sân. Khách đến chơi nhà luôn được cha mẹ tôi mời thưởng thức những múi mít mọng mềm, thơm nức. Và năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mít chín, mẹ lại chọn hái những quả ngon nhất biếu ông bà nội ngoại và họ hàng chòm xóm. Số còn lại, mẹ gánh ra chợ bán kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống còn nhiều chật vật.

Mẹ bảo, một phần tiền xây dựng căn nhà mới chúng tôi đang ở bây giờ được mẹ dành dụm, chắt chiu từ những ngày bán mít chợ phiên.

Tôi trở về rồi lại đi xa. Hàng mít bên mảnh vườn nhà như vẫn còn khắc khoải ngóng trông theo từng bước chân lặng lẽ của tôi trên hành trình chinh phục ước mơ rộng dài phía trước.

Phan Đức Lộc