Nếu tinh thần khởi nghiệp thật sự với những tài năng, tôn trọng luật chơi của thị trường để cạnh tranh… thì những doanh nhân này thật sự được tôn trọng. Đằng này, không hẳn doanh nhân nào cũng có tinh thần như thế. Mà có không ít doanh nghiệp ra đời là để “hứng” sự quen biết trong mối quan hệ. Hoặc bằng một cách nào đó phi thị trường để tạo sự quen biết. Thực ra, hoạt động theo cách này là ít rủi ro nhất. Có phải vậy không mà có nhiều “doanh nghiệp tay mơ” ra đời? Cứ quan sát nhiều doanh nghiệp mà xem, có nhiều người không hiểu cách nào mà doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia có nhiều công trình thi công và càng không hiểu tại sao mới đó thôi mà doanh nhân A, doanh nhân B trở nên giàu có?
Càng có nhiều doanh nghiệp kiểu này thì cả xã hội và thị trường chịu nhiều hệ lụy.
Đầu tiên là không tạo ra môi trường cạnh tranh. Nghĩa là tất cả những gì diễn ra trên thị trường không phản ánh đúng bản chất. Đã không có cạnh tranh thì không có động lực thúc đẩy phát triển. Chẳng những thế mà còn có thể là những bước thụt lùi. Chẳng hạn như trong lĩnh vực thi công xây dựng: là công trình tiến độ chậm, chất lượng kém, thiết bị kỹ thuật chậm đổi mới…
Mọi sự phát triển, yếu tố con người là rất quan trọng. Hoạt động trong một môi trường kém cạnh tranh như vậy sẽ sinh ra một đội ngũ doanh nhân kém năng động. Bình thường thì khó thấy, nhưng khi vấp phải những biến động hoặc những đòi hỏi yêu cầu cao hơn… thì sẽ bộc lộ ngay những lúng túng trong xoay trở. Và kéo theo, doanh nghiệp, người lao động trực tiếp chịu thiệt đã đành, nhưng xã hội gián tiếp cũng chịu thiệt hại. Một nền kinh tế muốn phát triển đều phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của doanh nghiệp, phụ thuộc vào tinh thần khởi nghiệp của nhiều người. Một khi môi trường kinh doanh thiếu những điều này thì hẳn là nền kinh tế sẽ chậm phát triển.
Một điều tai hại khác khi doanh nghiệp phát triển dựa vào mối quan hệ là nó tạo ra những rào cản rất lớn cho tinh thần khởi nghiệp và rất có thể nó làm tăng chi phí không chính thức để gia nhập thị trường. Thêm vào đó, khi tinh thần “doanh nhân” không được phát huy như đúng bản chất của nó thì sẽ dẫn đến hệ lụy, có thể là nguồn lực xã hội sử dụng không đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích. Chẳng hạn như nguồn vốn đang cần làm bệnh viện thì lại đi đầu tư làm đường tránh lũ… trong khi bệnh viện thì cần hơn, cấp thiết hơn. Báo chí cả nước đã đề cập đến nhiều công trình không cần thiết hoặc chưa cần thiết như vậy.
Chắc chắn, một nền kinh tế rất khó phát triển khi vẫn duy trì một đội ngũ doanh nhân “thân tín” với những mối quan hệ.