Như chuyện các khu làng nghề ở Huế đìu hiu. Khi mổ xẻ nguyên nhân vì sao địa chỉ giới thiệu đồ đúc đồng tại phường Đúc được đầu tư tiền tỷ lại không phát huy tác dụng, người dân đã nêu ra một lý do tưởng như khó chấp nhận. Đó là khi đưa khách đến, các hướng dẫn viên và lái xe đòi chủ các gian hàng chi từ 20-30% hoa hồng. Chủ hàng buôn bán không có lãi, không chung chi nên cụt luôn nguồn khách. Và trong một vài hội nghị du lịch của tỉnh cách đây nhiều năm, câu chuyện “hoa hồng” cho hướng dẫn viên, lái xe tại các điểm mua sắm đã được nêu lên một cách bất bình với lý do: Tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Ở đâu có hoa hồng cao, nhiều thì ở đó khách nườm nượp. Và thế là, để không bị ra rìa, người kinh doanh phải chạy đua trong cuộc chiến hoa hồng mà để khỏi lỗ, họ đành phải lươn lẹo trong buôn bán, như cân thiếu, giảm chất lượng, đội giá… mà cuối cùng, mọi sự thua thiệt đều thuộc về khách hàng.

Không biết có phải nguyên nhân một phần từ khấu trừ hoa hồng hay không mà câu chuyện đội giá tại các điểm mua sắm không còn là chuyện lạ ở Huế hay Việt Nam. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế mới đây, nhà văn Mỹ Carol Howland cho rằng, sau 14 lần đến Huế và Việt Nam, một trong những kinh nghiệm được bà rút ra là khi mua hàng thì phải trả giá cẩn thận để khỏi bị hớ. Nhưng đáng bàn hơn, theo bà Howland, chính vì chuyện giá cả mập mờ, đánh lận này mà nhiều du khách đã chọn giải pháp an toàn là không mua gì cả. Và đây thực sự là một kết qủa tồi tệ trong nỗ lực tăng doanh thu du lịch từ dịch vụ mua sắm.

Và câu chuyện đã đi xa hơn khi ở Hà Nội, hai tô phở cho du khách đã được tính với giá 800.000 đồng! Hay ở Khánh Hòa, một con cua 1,2 kg tại một nhà hàng sau khi luộc xong chỉ còn... 0,42 kg. Ngay giữa TP Sài Gòn, lại diễn ra cảnh dừa rong đeo bám gạ khách Tây. Mỗi qủa dừa bị ép mua với giá gấp hàng chục lần giá thật. Khách không mua sẽ bị gây sự.

Trong khi ngành du lịch Việt đang chật vật cạnh tranh để thu hút khách thì thật chua chát khi ngay tại các điểm đến, lại diễn ra sự nhiễu nhương đã âm ỉ, kéo dài từ lâu mà nguyên nhân được cho là do các địa phương lơ là quản lý và thiếu kiên quyết.

Không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch, vấn nạn nhũng nhiễu, “chặt chém” du khách phổ biến còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thể diện của địa phương và quốc gia, đòi hỏi một giải pháp cụ thể và quyết liệt từ chỉ đạo, thực hiện. Nhiều chuyên gia đề xuất, phải xử phạt nặng vi phạm; cảnh cáo, hạ lương, cách chức người đứng đầu địa phương để xẩy ra nhũng nhiễu; khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ du khách và người dân đấu tranh với vấn nạn nhiễu nhương… Những biện pháp triệt để cần thiết đến mức, lãnh đạo một công ty lữ hành du lịch Việt cho rằng: Không còn đường lùi hoặc xuê xoa, nhân nhượng. Dứt điểm hoặc tự “chết” dần mòn. Vì vậy, không còn con đường nào khác.

Kim Oanh