Đội tuyển Karate Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Vàng nội dung Kumite đồng đội nữ. Ảnh: TTXVN 

Ngoảnh sang nhìn các đối thủ xung quanh ở cùng khu vực, nhất là người Thái, thể thao Việt Nam đã không thể nào vui. Đến ASIAD 19 với ngôi vị đứng đầu  2 kỳ SEA Games liên tiếp. Thế nhưng, thứ hạng của thế thao Việt Nam ở ngày hội thể thao lớn nhất châu lục này là 21 so với thứ 8 của người Thái. Thể thao Việt Nam còn xếp sau cả một loạt nước Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Thua về số lượng, thể thao Việt Nam cũng thua cả chất lượng. Trong 3 HCV, chỉ có bắn súng là môn thể thao Olympic. Đứng đầu SEA Games ở điền kinh và bơi -  quan trọng bậc nhất trong hệ thống Olympic. Đáng nói là, đa số những nhà vô địch SEA Games của Việt Nam ở 2 môn này chưa thể vươn tới tầm châu lục. Thái Lan, Singapore, Indonesia... ít huy chương SEA Games hơn. Tuy nhiên, họ lại sở hữu những vận động viên đẳng cấp châu lục, thậm chí thế giới.

Toàn bộ 4 tấm HCV ở ASIAD 18, gồm điền kinh, đua thuyền và silat của thể thao Việt Nam đã không được bảo vệ thành công. Ba tấm HCV kỳ này “mới toanh” thuộc về xạ thủ Phạm Quang Huy (bắn súng), cầu mây nữ và karate nữ. Trong khi đó, người Thái gây ấn tượng khi đổi màu huy chương (đua thuyền) và bảo vệ được thành tích (taekwondo, cầu mây).

Khó khăn tiền bạc được nhắc tới. Tuy nhiên, đã nghèo mà còn không biết chi tiêu. Trong khi các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… bỏ dần các môn “ao làng” thì Việt Nam vẫn có sự đầu tư dàn trải thay vì trọng điểm. Có những môn như lặn, chưa thi đấu đã biết chắc không có đối thủ ở sân chơi SEA Games. Từ lâu nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc thể thao Việt Nam chạy theo thành tích ở khu vực, nhưng lại “ngụp lặn” ở đấu trường ASIAD hay Olympic. Đây cũng là một trong những lý do vì sao đoàn Việt Nam tụt lại phía sau khi bước ra đấu trường ASIAD.

Cũng có những trường hợp thất bại đáng tiếc, như Nguyễn Thị Thật vừa vô địch châu Á nhưng gặp chấn thương. Tương tự, Nguyễn Thị Tâm vừa bình phục và khi bốc thăm lại gặp ngay đối thủ mạnh nhất. Ở môn cờ tướng, các kỳ thủ Việt Nam vẫn có sự thua kém nhất định so với đại diện của chủ nhà Trung Quốc - nơi sản sinh ra môn cờ này. Tuy nhiên, đó không phải lý do chính giải thích cho việc thể thao Việt Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ là “tay mơ” ở ASIAD, chưa nói đến Olympic.

Theo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, từ năm 2019 thể thao Việt Nam phải đạt 10-15 HCV, xếp hạng từ 10 - 15 châu Á. Giai đoạn 2020-2030, phấn đấu lọt top 10 nền thể thao hàng đầu châu lục. Với thành tích giành 3 HCV, xếp thứ 6 Đông Nam Á và thứ 21 châu Á tại ASIAD 19, có thể khẳng định thể thao Việt Nam chưa hoàn thành mục tiêu mà Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đề ra.

Đình Nam