Phòng bán vé của Hãng Hàng không Vietnam Airlines ở Huế. Ảnh: Đức Quang

Lo giá vé cao ảnh hưởng du lịch

Mới đây, các hãng bay tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco đã mở bán vé Tết. Hàng triệu vé được tung ra, khách có thể đặt mua trên website hoặc các kênh khác. Vé được mở bán sớm vài tháng trước Tết Nguyên đán, nhưng không chỉ hành khách lo khó tiếp cận mua vé mà ngành du lịch cũng sốt ruột vì giá vé cao.

Khảo sát giá vé cho thấy, tuy vẫn có đa dạng mức giá song không có giá rẻ như hành khách mong muốn. Một số hãng hàng không đẩy mạnh thông tin vé Tết với mức giá chỉ 1,4 - 1,9 triệu đồng ở một số chặng bay tỉnh, nhưng khi vào mua vé không dễ “săn” được mức giá này. Trong khi đó, nếu muốn mua vé nhanh chóng, hành khách phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Đơn cử, các chặng bay TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Chu Lai vé khứ hồi của một số hãng hàng không cho chặng ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán lên đến 4,3 - 5 triệu đồng (tùy chặng và khung giờ).

Đáng nói, với các chặng bay kết nối các điểm du lịch nổi tiếng, giá vé máy bay khiến nhiều hành khách và doanh nghiệp du lịch giật mình. Chẳng hạn, chuyến bay Hà Nội - Phú Quốc, mức vé khứ hồi của Vietnam Airlines lên tới khoảng 10-13 triệu đồng, chỉ có một số chuyến bay giờ sớm hoặc đêm khuya giá 7-8 triệu đồng/vé khứ hồi. Số lượng vé phổ thông cho tuyến bay này còn rất ít. Trong khi đó, giá vé bay Vietjet chặng Hà Nội - Phú Quốc từ 6 - 6,8 triệu đồng/vé khứ hồi. Với Bamboo Airways, giá vé khứ hồi cho đường bay này là 7,6 - 9,5 triệu đồng/vé.

Thực tế, giá vé máy bay tăng dịp lễ, Tết là điều không mới. Do nhu cầu đi lại cao, giá vé máy bay những dịp lễ, Tết tăng gấp đôi, gấp ba, lên tới vài triệu đồng so với ngày thường. Song, trước mức giá quá cao, cả hành khách và doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành đều cùng chung nỗi lo. Chị Nguyễn Thùy Miên, quê ở Huế, hiện đang sống tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi các hãng bay vừa mở bán vé Tết Nguyên đán 2024, tôi đã lên trang web của các hãng để “săn” vé cho cả gia đình. Tuy nhiên, giá vé quá cao. Nhìn giá vé máy bay, tôi lại đắn đo chưa dám đặt mua để tính toán lại có nên đổi phương án đi xe, đi tàu”.

Trước mức giá cao, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị lữ hành trở nên sốt ruột hơn vì lo ngại khách du lịch quay lưng với du lịch trong nước. Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, giá vé máy bay dịp Tết cao hơn so với bình thường bởi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, trong đó có nhu cầu về quê, thăm thân, đi du lịch… Tuy nhiên, năm nay, với bối cảnh du lịch còn nhiều hạn chế do sự phục hồi chậm từ các thị trường lớn, sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kích cầu du lịch dịp Tết 2024. “Với các địa điểm có giá vé máy bay quá cao, du khách sẽ chuyển hướng lựa chọn các phương tiện di chuyển khác như tàu hỏa, xe cá nhân,... hoặc ưu tiên lựa chọn các địa điểm du lịch có giá tốt hơn. Nếu chi phí du lịch trong nước cao quá, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn các tour nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Malaysia,...”, ông Thắng đánh giá.

Cần cái bắt tay lâu dài giữa du lịch - hàng không

Không chỉ dịp tết mà các đợt lễ, trước nhu cầu đi lại tăng cao, các hãng hàng không tăng giá là chuyện dễ hiểu. Song, xét về quy luật thị trường và tính phát triển lâu dài, kịch bản tăng giá quá cao về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, mà doanh nghiệp du lịch lữ hành và cả hàng không đều bị tác động. Lấy dẫn chứng như các đợt lễ lớn vừa qua, nhiều địa phương trong đó có Phú Quốc vắng khách hơn các năm trước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do vé máy bay cao.

Hàng không và du lịch có quan hệ mật thiết với nhau. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, giá vé máy bay tăng cao cũng đẩy giá tour tăng, do giá vé máy bay chiếm khoảng 30-60% giá tour nội địa, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi du lịch của du khách. Nếu sự phối hợp giữa hàng không và du lịch còn nhiều bất cập theo kiểu “mạnh ai nấy làm” thì lợi ích các bên đều bị ảnh hưởng.

Theo TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), cả hai ngành nên đặt mình vào vị trí của du khách chứ đừng chỉ đặt mình vào vị trí của người cung cấp sản phẩm để có cái nhìn đầy đủ hơn từ mọi phía. Ngành hàng không và du lịch cần ngồi lại với nhau, đặc biệt là có sự tham gia của Chính phủ. Vì lợi ích chung của nền kinh tế đất nước, Chính phủ vào cuộc với tư cách điều phối giá vé làm sao không quá thấp so với giá sàn hoặc có thể bù lỗ.

Hai ngành hàng không và du lịch nên tính chuyện làm ăn lâu dài với nhau, đặc biệt là giữa các hãng hàng không với các công ty du lịch và các điểm đến, đừng để tình trạng đẩy giá quá cao dịp cao điểm. Bên cạnh đó, cần tạo ra chuỗi giá trị giữa vận chuyển, lữ hành, hàng không, khách sạn để bán sớm và có giá tốt. Các bên điều tiết lại giá vé cho hợp lý. Về phía Nhà nước, cần hỗ trợ giảm thuế đầu vào cho ngành du lịch như thuê đất khách sạn, thuế giá trị gia tăng, phương tiện vận chuyển.

HỮU PHÚC