Hệ thống máy điều hòa không khí tại một khu dân cư ở Ấn Độ. Ảnh minh họa: NY times/qdnd.vn |
Cụ thể, Cam kết Làm mát toàn cầu dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28). Sự kiện này sẽ kéo dài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 30/11 tại Dubai.
Lượng khí thải từ cả chất làm lạnh và năng lượng được sử dụng để làm mát hiện chiếm khoảng 7% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, và được dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, khi nhiệt độ tiếp tục tăng lên.
Theo ông Noah Horowitz, Giám đốc Chương trình Hợp tác Làm mát Bền vững (Clean Cooling Collaborative), sẽ có thêm khoảng 3 tỷ máy điều hòa không khí được lắp đặt trên toàn thế giới, ngoài con số khoảng 2 tỷ máy điều hòa không khí hiện có.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), quốc gia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch COP28, đang dẫn đầu cam kết cùng với Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát (Cool Coalition) do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) khởi xướng.
Với nhiệt độ toàn cầu hiện nay trung bình ấm hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới đang chứng kiến nhiều đợt sóng nhiệt gay gắt hơn. Trong khi đó, ở mức nhiệt độ tăng 1,5 độ C, hàng trăm triệu người có thể phải đối mặt với tình trạng nóng ẩm nguy hiểm một tuần mỗi năm, và không thể chịu đựng được nếu thiếu hoạt động làm mát.
Các chuyên gia cho hay, việc đạt được các cam kết sẽ cần có sự đầu tư lớn vào việc triển khai công nghệ làm mát bền vững hơn. Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cũng có thể sẽ cần đến các lưới điện để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, trong bối cảnh việc sử dụng máy điều hòa không khí và quạt để giữ mát hiện nay chiếm gần 20% lượng điện tiêu thụ trên toàn cầu.
Trong một nhận định liên quan, điều phối viên toàn cầu của Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát, bà Lily Riahi cho rằng: “Chúng ta cần làm mát, nhưng hoạt động này phải trở nên hiệu quả hơn”.
Đáng chú ý, cam kết này sẽ đánh dấu sự tập trung chung đầu tiên của thế giới vào phát thải năng lượng từ lĩnh vực làm mát, kêu gọi các quốc gia cắt giảm ít nhất 68% lượng phát thải liên quan đến làm mát vào năm 2050, so với đường cơ sở được ghi nhận trong năm 2022. Ngoài ra, các bên ký kết cũng cần công bố kế hoạch hành động làm mát quốc gia vào năm 2026, đồng thời cam kết hỗ trợ việc triển khai các công nghệ điều hòa không khí hiệu quả cao.