Đường Lê Lợi xanh mát với 2 hàng cây long não 

Những năm gần đây, Huế không chỉ là thành phố xanh với hệ thống cây xanh đa dạng về chủng loại với tỷ lệ che phủ cao, mà còn sạch đẹp lên từng ngày. Để có được kết quả đó, UBND TP. Huế đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động, như: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an”, “60 phút sạch nhà đẹp ngõ”…, vừa góp phần tạo nên một TP. Huế sáng - xanh - sạch - đẹp, vừa lan tỏa ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường. Qua đó, hình ảnh mỗi gia đình, ngõ xóm, cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng đang dần thay đổi và ý thức của mỗi người dân cũng được nâng lên.

Để giữ vững và phát triển bền vững danh hiệu “Thành phố xanh”, nhiều giải pháp đã và đang được thành phố triển khai, trong đó có việc phát triển du lịch dịch vụ hạn chế các loại hình sản xuất phát thải gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh; ưu tiên bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và cải tạo cảnh quan môi trường đô thị. Hiện, việc quản lý, tôn tạo, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh ở Huế rất được coi trọng để duy trì và tôn tạo mảng xanh cho thành phố, trong đó Trung tâm Công viên cây xanh Huế triển khai nhiều công việc như chăm sóc định kỳ, chặt tỉa những cây không đúng chủng loại, cắt mé tạo tán cành nhánh, tạo mỹ quan đô thị.

Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho rằng, với mục tiêu giữ vững thương hiệu “Thành phố xanh Quốc gia”, thời gian tới, trung tâm tiếp tục công tác sưu tầm, chọn lọc, nhân giống những chủng loại cây phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương để tham mưu, đề xuất thành phố trồng mới, trồng thay thế các chủng loại không phù hợp trên các đường phố, công viên, điểm xanh, khu định cư mới nhằm làm phong phú, đa dạng, phát triển bền vững hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố.

Để tạo nên không gian xanh cho thành phố, trung tâm tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho thành phố thiết kế quy hoạch cây xanh tại các tuyến đường nhằm hoàn chỉnh một số tuyến đường trung tâm với tiêu chí “đường nào cây ấy”. Trong đó, các khu vực có sẵn cây bản địa thì nghiên cứu bổ sung thêm cây và hoa mới để tạo sự phong phú, đa dạng cho cây xanh đường phố; đồng thời bảo tồn cây cổ thụ, tăng cường công tác kiểm tra để triệt hạ một số cây già cỗi, dễ gãy đổ, đồng thời tiếp tục trồng bổ sung một số loại cây trên cơ sở giữ lại các loại cây mang tính đặc trưng riêng, như đường Lê Lợi gắn với cây long não, phượng vàng và sau sau; đường Đống Đa trồng me tây; đường Nguyễn Huệ phượng đỏ, phượng vàng; đường Hà Nội chọn nhạc ngựa và bằng lăng; Hai Bà Trưng trồng bàng Đài Loan…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trương Đình Hạnh, cùng với việc thường xuyên bổ sung, trồng mới hệ thống cây xanh tại các công viên, điểm xanh và các tuyến đường, khu dân cư…, thành phố luôn chú trọng đến việc quy hoạch hệ thống cây xanh đường phố. Trong đó, luôn gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch cây xanh, bố trí diện tích đất để đảm bảo vừa trồng cây xanh, vừa bảo tồn cây xanh cổ thụ và không phá vỡ các thảm cỏ xanh dọc 2 bờ sông Hương. Hiện, thành phố đang mời các đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu, quy hoạch các tuyến đường nhằm đảm bảo hệ thống cây xanh vừa đẹp vừa thân thiện và phù hợp với không gian đô thị Huế.

Bài, ảnh: Khánh Thư