Đê chắn sóng Chân Mây |
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Trần Văn Minh Quân thông tin: “Công trình xây dựng Đê chắn sóng cảng Chân Mây là dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh đứng chân ở xã Lộc Vĩnh. Huyện đã hết sức quan tâm tạo mọi điều kiện có thể, góp phần để công trình hoàn thành vào năm 2025, trước tiến độ”.
Cảng Chân Mây được biết đến là cảng biển nước sâu tự nhiên, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn và còn nhiều tiềm năng để có thể mở rộng, phát triển thành một cảng biển tầm cỡ và hiện đại. Có một vị trí quan trọng trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu kinh tế động lực của tỉnh, nên việc đầu tư phát triển cảng Chân Mây là điểm nhấn làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này. Vì vậy mà thời gian qua, cùng với việc mở rộng nâng cấp bến bãi, việc xây dựng đê chắn sóng là cần thiết, nhằm bảo vệ khu nước của cảng, đảm bảo điều kiện an toàn khai thác trong điều kiện gió mùa. Bên cạnh đó cũng làm giảm tác động của sóng trong điều kiện bão đến, qua đó phát huy cao nhất lợi thế cũng như nhiều tiềm năng khác để có thể mở rộng, phát triển thành một thương cảng rộng lớn và hiện đại.
Từ năm 2018, chúng ta đã chứng kiến việc khởi động dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây, giai đoạn 1 do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Đê được xây dựng tại vị trí có độ sâu khoảng dưới 12m, có dạng kết cấu là đê đá đổ mái nghiêng kết hợp khối phủ phá sóng ngoài Rakuna IV. Năm 2020, với sự nỗ lực từ nhiều phía, đê chắn sóng giai đoạn 1 được khánh thành với chiều dài tính từ mũi Chân Mây Đông và được kéo dài ra phía biển theo hướng Tây là 450m, đỉnh đê cao trên 7m.
Thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2 sẽ tăng năng lực khai thác hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Khu bến Chân Mây nói riêng, cảng biển Thừa Thiên Huế nói chung, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển loại I; trong đó Khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan...”
Từ khi đang công tác cho đến nay, chúng tôi được biết và luôn dõi theo sự ra đời và phát triển của cảng Chân Mây. Cảng Chân Mây ra đời vừa tròn 20 năm, hôm nay cảng đã có một diện mạo mới, vươn lên là 1 trong 10 cảng biển lớn nhất Việt Nam và trở thành địa điểm tin cậy của những con tàu du lịch quốc tế hiện đại như Celebrity, Millenium, Cliper, Odysey, Seven Sea Voyager, Nautica... Cảng ngày càng biết đến nhiều hơn, là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Đê chắn sóng - một công trình quan trọng cũng đang dần hoàn thiện, hiện thực hóa mục tiêu phát triển cảng. Chúng tôi đã chia sẻ niềm vui khi được thông tin với sự chỉ đạo quyết liệt và các nguồn lực được huy động, công trình xây dựng cấp đặc biệt được tập trung thi công khi thời tiết thuận lợi và đang đẩy nhanh tiến độ về đích sớm hơn.
Được nghe, được biết về dự án và hôm nay được rảo bước trên công trình đang dần hoàn thiện và sẽ hoàn thành nay mai, chúng tôi ai cũng thấy hân hoan. Chúng tôi biết, đây là công trình hạ tầng trọng điểm bảo vệ cho các cầu cảng, tăng thời gian khai thác hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Khu bến Chân Mây nói riêng, cảng biển Thừa Thiên Huế nói chung.
Anh Chế Công Chung, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế đồng tình rằng “công trình đê chắn sóng Chân Mây hoàn thành sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, nhất là trong phát triển cảng Chân Mây và khu kinh tế này”. Chị Hương Thủy, nguyên cán bộ Tỉnh ủy thốt lên: “Thật là vui khi được đến thăm công trình xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây, được thấy con đê dài gần trên 700m đang hiển hiện”. Tôi cũng vậy. Tôi nghĩ đến một ngày mai sôi động khi cảng sẽ đón nhiều tàu hơn và có nhiều tàu trọng tải lớn hơn. Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô rồi sẽ nhộn nhịp hơn, tăng trưởng kinh tế nhanh và là một cực tăng trưởng kinh tế ở phía nam của tỉnh. Tôi ước mong, tương lai đê sẽ được nối dài hơn nữa và chợt nghĩ, đây rồi sẽ là một nơi mà mọi người rất muốn một lần được đến thăm, được rảo bước đi trên mặt đê ngắm nhìn sự kỳ vĩ của Vịnh đẹp Lăng Cô. Với sự tăng trưởng của du lịch và logistics từ nơi này, chắc chắn vùng đất Phú Lộc sẽ thật sự Phú và nhiều Lộc.