Tổ chức Hội Chữ thập đỏ địa phương tập huấn cứu hộ cứu nạn khi gặp thiên tai

 Nhớ lại trận lũ lịch sử năm 1999, hay các trận lũ, bão những năm gần đây nếu không có lòng quả cảm, tình người, tinh thần tương thân tương trợ trong Nhân dân sẽ thiệt hại lớn hơn, mất mát nhiều hơn. Lúc đó, mọi phương tiện, nhà cao tầng, lương thực thực phẩm đã kịp thời được đồng bào vùng bị thiên tai cùng nhau sẻ chia. Có những hộ gia đình ở TP. Huế, huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc... đã dùng phương tiện cá nhân để cứu hàng trăm người dân mắc kẹt trong lũ. Số khác giúp chỗ ăn ở, giúp kê kích, chằng chống, dựng lại nhà cửa.

Cùng những người trong cuộc, sự chi viện, hỗ trợ quý báu, kịp thời của đồng bào trên khắp cả nước, kiều bào nước ngoài và cộng đồng quốc tế về vật chất, tinh thần đã giúp người dân vùng thiên tai vượt qua khó khăn, mạnh mẽ vực dậy cùng nhau xây đắp cuộc sống tốt đẹp hơn. Cơ sở vật chất, hạ tầng đã được đầu tư mạnh, kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển, năng lực phòng, chống thiên tai được chú trọng.

Đến nay, những bài học, kinh nghiệm và những giải pháp để ứng phó thiên tai không bao giờ cũ, trong đó, tinh thần cộng đồng, dựa vào cộng đồng luôn là cần thiết, quyết định hiệu quả phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước tác động của BĐKH, những rủi ro do cực đoan, bất thường của thiên tai, nhất là tình hình bão lũ vẫn còn rất lớn. Cùng với đó, khu vực miền Trung nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng có địa hình phức tạp, mật độ sông suối nhiều, nhưng đa số ngắn và dốc, lưu vực chủ yếu là đồi núi, các cửa sông hẹp, nông, thường xuyên bị bồi lấp. Vì thế khi có mưa lớn ở thượng nguồn, nước tập trung nhanh về hạ lưu gây ngập lụt vùng đồng bằng. Lượng mưa mùa mưa lũ khu vực này chiếm 65-75% tổng lượng mưa năm. Lượng mưa trung bình năm ở mức 800-3.600mm, trong đó có các tâm mưa lớn có lượng mưa trung bình năm từ 3.400-4.000mm. Do vậy mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền Trung rất phức tạp vì nước lên nhanh nhưng rút chậm.

Với sự hà khắc của thiên nhiên, mỗi người dân sống trong vùng dễ gặp rủi ro thiên tai phải luôn chủ động và có tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mỗi năm, khu vực miền Trung gánh chịu từ 3-4 trận bão lớn, gây tình trạng ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng đến các hoạt động KT-XH. Muốn khắc phục được phải qua một thời gian dài với sự đầu tư lớn của Nhà nước và Nhân dân. Thực tế cho thấy, trong lúc Nhà nước còn nhiều khó khăn, sự hỗ trợ sau bão lụt mới lấp đi một phần khó khăn ban đầu nhưng nhờ phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, với phương châm “lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm lá rách nhiều”, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả đã mang lại kết quả tốt, đảm bảo an sinh xã hội.

Để phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức, diễn tập phòng, chống thiên tai phải tiếp tục được xem trọng, tiến hành thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở đó lựa chọn thành lập, huấn luyện lực lượng phản ứng nhanh, tìm kiếm cứu nạn, lực lượng xung kích tại chỗ để chủ động ứng phó, hỗ trợ, phối hợp kịp thời và có hiệu quả với các bên liên quan khi có thiên tai xảy ra…

Bài, ảnh: SONG MINH