Các tấm pin năng lượng mặt trời tại một nhà máy điện mặt trời nổi ở Singapore. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Đưa ra tầm nhìn này tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, được tổ chức từ ngày 23 - 27/10, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc khu vực về hệ thống năng lượng châu Á - Thái Bình Dương của DNV, ông Brice Le Gallo cho rằng, cách tiếp cận “tối ưu hóa khu vực” là nơi “việc chia sẻ tài nguyên đầy đủ” diễn ra giữa các quốc gia, nhằm hướng tới một tương lai phát thải ròng bằng 0, thay vì tự thực hiện các kế hoạch.
Theo kịch bản này, các quốc gia có thể cùng cắt giảm nhu cầu về 1/3 năng lượng tái tạo và 1/10 dự trữ điện hiện được dự báo cần thiết vào năm 2050. Điều này là do năng lượng tái tạo có thể được triển khai một cách chiến lược ở những nơi có khả năng tiếp cận tốt hơn với năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện “chất lượng”, chẳng hạn như Thái Lan và Lào. Việc thực hiện mà không cần tất cả các cơ sở lắp đặt và lưu trữ này cũng sẽ làm giảm 37% lượng khí thải carbon của các quốc gia. Bên cạnh đó, các bộ kết nối sẽ có chi phí 600 tỷ USD nhưng sẽ giúp khu vực tiết kiệm 700 tỷ USD chi phí năng lượng tái tạo và lưu trữ.
Trong kịch bản mà mỗi quốc gia ASEAN bắt tay vào nỗ lực khử carbon trong lưới điện riêng lẻ, khu vực này có thể sẽ chi 7,2 nghìn tỷ USD để làm sạch lưới điện, bao gồm khoảng 4 nghìn tỷ USD cho việc lưu trữ. Ngược lại, theo nghiên cứu của DNV, chi phí sẽ chỉ lên tới 6,5 nghìn tỷ USD với kịch bản tối ưu hóa khu vực, cùng chi phí lưu trữ giảm xuống còn 2,8 nghìn tỷ USD, và chi phí năng lượng tái tạo giảm xuống còn 2,7 nghìn tỷ USD.
Nghiên cứu của DNV đã đặt ra mục tiêu định lượng các lợi ích của cách tiếp cận khu vực trong việc khử carbon ở ASEAN, với cách tiếp cận mang tính phối hợp có thể cắt giảm sự dư thừa, giải phóng lượng không gian cần thiết để triển khai năng lượng tái tạo, đồng thời tiết kiệm được một số chi phí. Ông Brice Le Gallo nói thêm, các bên mà ASEAN có thể học hỏi bao gồm châu Âu nơi được coi là một minh chứng về mạng lưới kết nối, và ngành viễn thông nơi đã đạt được sự hợp tác quốc tế.