ASEAN và Trung Quốc thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác, trao đổi để cùng nhau hướng đến tương lai thịnh vượng chung. Ảnh minh hoạ: VCG/TTXVN/Vietnam+

Fu Fengshan, Phó phái đoàn Trung Quốc tại ASEAN đã trình bày Sách Trắng của Trung Quốc với tựa đề “Xây dựng cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung”. Trong đó, ông lưu ý rằng năm 2023 đánh dấu 10 năm đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một cộng đồng Trung Quốc – ASEAN gần gũi hơn với tương lai chung.

Theo ông Fu Fengshan, “với tư cách là những người bạn tốt, láng giềng tốt và đối tác tốt”, Trung Quốc và ASEAN có chung tầm nhìn, có lợi ích gắn bó chặt chẽ và là “đối tác tự nhiên” trong việc xây dựng một cộng đồng có tương lai chung.

“Nhìn chung, Đông Á ngày nay đã duy trì được hoà bình, ổn định và trở thành trung tâm phát triển, là miền đất hứa cho hợp tác”, Phó phái đoàn Trung Quốc tại ASEAN Fu Fengshan nhấn mạnh.

Được biết, hợp tác Trung Quốc – ASEAN đã tăng cường kết nối giữa hai quốc gia, được thể hiện trong việc xây dựng đường sắt Lào – Trung, Đường cao tốc Phnom Penh – Sihanoukville ở Campuchia và Đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung ở Indonesia.

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Điều này được thể hiện rõ nhất khi tính đến tháng 7/2023, khoản đầu tư hai chiều tích luỹ ghi nhận đã lên đến hơn 380 tỷ USD.

Trung Quốc và ASEAN cũng đã thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực bởi cả hai đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Dù vậy, cả hai nước vẫn phải cùng nhau ứng phó với những thách thức chung bao gồm căng thẳng địa chính trị, phục hồi kinh tế toàn cầu chậm chạp và biến đổi khí hậu.

Phía Trung Quốc “ủng hộ mạnh mẽ” sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hoan nghênh việc khu vực xây dựng cộng đồng và đặt trọng tâm của khối vào tiến trình phát triển kinh tế và hợp tác Đông Á.

Trung Quốc và các nước ASEAN là những nền kinh tế mới nổi và có chung “mục tiêu hợp tác nhằm xây dựng một trật tự quốc tế thuận lợi hơn, công bằng và hợp lý hơn”.

Trong một thông tin có liên quan, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta Muhammad Habib Abiyan Dzakwan cho biết, hai bên cần nỗ lực dỡ bỏ mọi rào cản trong tiến trình trao đổi văn hoá. Điều này phải áp dụng cho những lớp dân số khó tiếp cận nhất trong xã hội.

Theo ông Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, lao động Trung Quốc làm việc tại Indonesia nên được khuyến khích học tiếng Indonesia để có thể giao lưu nhiều hơn với đồng nghiệp và hoà nhập với cộng đồng địa phương. Cùng lúc, lao động Indonesia ở Trung Quốc và lao động Trung Quốc ở các nước ASEAN khác cũng nên học ngôn ngữ địa phương, được tiếp cận và cải thiện ngoại ngữ với giá cả phải chẳng để không bị hạn chế trong giao tiếp… Theo giới chuyên gia, đây không chỉ là về giao tiếp. Đó là về việc xây dựng kết nối, thúc đẩy sự hiểu biết và tạo dựng một tương lai chung.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)