Quy định mới dự kiến sẽ cho phép các doanh nhân nước ngoài lưu trú tại Nhật Bản trong 2 năm mà không yêu cầu phải có địa điểm kinh doanh hoặc số vốn đầu tư. Ảnh minh họa: Japan Times/Laodong

Động thái này nhằm phục hồi nền kinh tế trong nước bằng cách giúp người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Nhật Bản dễ dàng hơn, giải quyết một trong những rào cản chính khi gia nhập nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trước đây, những yêu cầu nghiêm ngặt để có được giấy phép cư trú đã cản trở dòng vốn của các doanh nhân toàn cầu.

Cụ thể, cơ quan này có kế hoạch cho phép người nước ngoài ở lại Nhật Bản trong 2 năm như một khoảng thời gian chuẩn bị để bắt đầu hoạt động nếu họ có kế hoạch kinh doanh được chứng nhận và đáp ứng các điều kiện khác, ngay cả khi họ không thành lập văn phòng hoặc không có số vốn đầu tư ban đầu.

Hiện tại, nếu người nước ngoài hy vọng có được tư cách lưu trú cho phép họ bắt đầu kinh doanh, họ phải đảm bảo có địa điểm kinh doanh và tuyển dụng ít nhất 2 nhân viên toàn thời gian hoặc có vốn đầu tư tối thiểu là 5 triệu yên (33.000 USD). Những yêu cầu nghiêm ngặt này được xem là khó đáp ứng đối với người nước ngoài không có tiềm lực tài chính và các doanh nghiệp mới nổi. Thực tế, các công ty khởi nghiệp (start-up) thường gặp khó khăn về tiền mặt và đang ở giai đoạn non trẻ, rất khó có thể đảm bảo số vốn ban đầu 5 triệu yên.

Vào năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chương trình cư trú 6 tháng dành cho những người không phải người Nhật chuẩn bị khởi nghiệp, nhưng chương trình này chỉ giới hạn ở các đặc khu chiến lược quốc gia như Tokyo và thành phố Fukuoka.

Năm 2018, một chương trình khác đã được triển khai nhằm cho phép công dân nước ngoài ở lại tối đa 1 năm với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương được Bộ Công nghiệp chứng nhận. Chương trình đã được triển khai tại Hokkaido, Sendai, Aichi và Hyogo và một số nơi khác.

Với chính sách mới đang được xem xét, việc nới lỏng các yêu cầu cư trú sẽ không chỉ giới hạn ở các thành phố lớn như Tokyo và Fukuoka - nơi hầu hết các doanh nhân nước ngoài đều tập trung trước đây, mà sẽ được áp dụng trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương và đa dạng hóa hệ sinh thái kinh doanh khu vực.

Hơn nữa, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản dự kiến sẽ sửa đổi các quy định về giấy phép cư trú liên quan đến “quản lý kinh doanh” vào cuối năm tài chính 2024, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các công ty khởi nghiệp.

Theo Japan Times, mặc dù chính sách mới đánh dấu một bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn những thách thức khác. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản cũng đang tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính thông qua số hóa và giải quyết các rào cản ngôn ngữ - những “chướng ngại vật” lớn đối với các doanh nhân nước ngoài.

Dữ liệu từ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản cho thấy số lượng công dân nước ngoài lưu trú tại Nhật Bản theo diện “quản lý kinh doanh" tính đến cuối tháng 6 năm nay đạt khoảng 35.000 người. Con số này cao gần gấp đôi so với năm 2015 và tăng khoảng 7.800 người so với mức cuối năm 2019.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Japan Times)