Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập vào Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong tuần qua, các xe tải chở viện trợ đã từ Ai Cập đến Gaza qua Rafah - cửa khẩu chính không giáp biên giới Israel. Đây trở thành điểm phân phối viện trợ chính kể từ khi Israel áp đặt “cuộc bao vây toàn diện” khu vực này để trả đũa cuộc tấn công hôm 7/10 của phiến quân Hamas từ Gaza.
Cơ quan LHQ về Cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) đã nhiều lần cảnh báo việc hạn chế chỉ cho phép một số đoàn xe đi qua cửa khẩu Rafah để vận chuyển hàng cứu trợ vào Dải Gaza là không đủ để đáp ứng “nhu cầu nhân đạo chưa từng có” của khoảng 2,3 triệu người đang mắc kẹt ở đây, trong đó hơn 1 triệu người đã thành vô gia cư do các cuộc ném bom của Israel.
Bà Lisa Doughten, quan chức cấp cao Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho rằng, nếu muốn tạo ra sự khác biệt cho tình hình ở Gaza, không thể chỉ có 1 điểm để đưa viện trợ vào khu vực này. Và cửa khẩu Kerem Shalom, ở giữa Israel và Gaza, là điểm giao cắt duy nhất được trang bị để nhanh chóng xử lý một số lượng xe đủ lớn chở viện trợ.
Được biết, Mỹ đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với Israel, Ai Cập và LHQ để cố gắng tạo ra một cơ chế phân phối viện trợ bền vững cho Gaza. Các bên đang thảo luận về các thủ tục kiểm tra viện trợ và tình hình oanh tạc ở phía biên giới Gaza.
Tuần trước, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) Cindy McCain cho biết, mỗi xe tải phải dỡ hàng tại một trạm kiểm soát để kiểm tra có ẩn giấu vũ khí và đạn dược không, sau đó hàng hóa sẽ được chất lại khi quá trình kiểm tra hoàn tất. Theo bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại LHQ, số lượng xe tải vào Gaza “phải được tăng gấp đôi” để đáp ứng nhu cầu.
Thiệt hại cơ sở hạ tầng
Bà Doughten nhấn mạnh việc bổ sung nguồn nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, nhà máy khử muối và cho các phương tiện chở hàng viện trợ là “đặc biệt cấp bách”.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Catherine Russell cho biết, ước tính khoảng 55% cơ sở hạ tầng cấp nước của Gaza cần được sửa chữa hoặc phục hồi. Hiện chỉ có một nhà máy khử muối hoạt động với công suất 5% và tất cả 6 nhà máy xử lý nước thải đã ngừng hoạt động.
“Việc thiếu nước sạch và vệ sinh an toàn đang có nguy cơ trở thành thảm họa”, bà Russell cảnh báo.
Ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA nói rằng, người Palestine ở Gaza đang bị ép buộc phải di dời tập thể. Israel đã đưa ra cảnh báo mới đối với dân thường di chuyển từ phía bắc Gaza xuống phía nam khi nước này bắt đầu tiến quân vào cuối ngày 27/10 để truy đuổi các chiến binh Hamas mà Israel cho rằng đang ẩn náu trong mê cung đường hầm bên dưới Thành phố Gaza.
Ông Lazzarini cũng cho biết, việc mất liên lạc vào cuối tuần qua đã đẩy nhanh việc phá vỡ trật tự dân sự. Nếu sự cố đó trở nên tồi tệ hơn sẽ khiến việc tiếp tục hoạt động ở Gaza của LHQ trở nên “cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”.