Tác phẩm “Phố” của cố họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tầm |
Vẫn chưa biết không gian cho những tác phẩm ấy sẽ ở đâu trước nỗi lòng mòn mỏi của giới nghệ sĩ Huế cũng như công chúng yêu nghệ thuật. Nhưng để kỷ niệm 5 năm thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ quyết định tìm một không gian để trưng bày toàn bộ tác phẩm ấy vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án “trình làng” mang tính kỷ niệm một dấu mốc, rồi sau đó sẽ “cất kho”.
Câu chuyện tìm không gian mỹ thuật cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí từ vô số cuộc họp, kiến nghị của những cơ quan chức năng, chuyên môn và sự lên tiếng của giới văn nghệ sĩ vùng đất Cố đô Huế. Để rồi, mọi thứ đến thời điểm hiện tại vẫn vô cùng bế tắc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn chi tiền mua tranh quý, nhưng không tìm một không gian đúng nghĩa để treo tranh, trong khi vấn đề “phát huy giá trị văn hóa” luôn được nhấn mạnh tại rất nhiều hội thảo, hội nghị về văn hóa Huế, về vùng đất Cố đô với bề dày văn hóa, lịch sử, trong đó có mỹ thuật Huế.
Theo thống kê của Bảo tàng Mỹ thuật Huế, từ năm 2019 đến năm 2022 được cấp kinh phí 3 tỷ đồng/năm, riêng năm 2023 là 2 tỷ đồng để sưu tầm. Đến thời điểm này, bộ sưu tập dù chưa thể nói là đồ sộ nhưng cũng ít nhiều đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, với 63 tác phẩm phong phú nhiều chất liệu khác nhau của nhiều họa sĩ tên tuổi. Ngoài ra, có hàng chục tác phẩm khác do Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả, nhà sưu tập… trao tặng.
Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho biết, tiêu chí sưu tầm là ưu tiên các tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc có tên tuổi, là người Huế, sinh sống, học tập và làm việc tại Huế, những nghệ sĩ đã góp phần xây dựng nên nền mỹ thuật Huế, từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 đến nay.
Theo bà Trai, đa số những nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ đang còn sinh sống ở Huế nên công tác sưu tầm có phần thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và trao đổi trực tiếp với nghệ sĩ hay gia đình nghệ sĩ để lựa chọn những tác phẩm tốt cho bảo tàng. Đa số nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ đều có mong muốn đưa tranh của mình vào trưng bày tại bảo tàng, bởi theo họ chính nơi này đáp ứng được cách bảo quản, giới thiệu tác phẩm, tên tuổi tác giả một cách tốt nhất đến với công chúng trong nước và khách quốc tế. “Vì vậy, sự thương thảo về giá chuyển nhượng tác phẩm cho bảo tàng được gia đình họa sĩ, họa sĩ quan tâm, tạo điều kiện với giá cả ưu đãi rất nhiều so vơi giá tranh thị trường”, bà Trai chia sẻ.
Việc sưu tầm các tác phẩm đến thời điểm này dù gặp một số trở ngại nhưng nhìn chung cơ bản thuận lợi, đáp ứng được tiêu chí mà bảo tàng cũng như hội đồng nghệ thuật đặt ra. Còn chuyện không gian trưng bày? Hầu hết các thành viên hội đồng nghệ thuật giờ đây gần như không lo lắng việc sẽ không sưu tập được tranh quý, mà thay vào đó là nỗi niềm trăn trở với câu hỏi bao giờ có một không gian trưng bày đúng nghĩa, ít ra nếu được cũng là một không gian nào đó mang tính tạm thời.
5 năm, những “đứa con tinh thần” của các họa sĩ tài danh quy tụ về Bảo tàng Mỹ thuật Huế nhưng chờ đợi thêm bao nhiêu năm mới có một không gian để treo những bức tranh ấy lên cho công chúng thưởng thức thì chưa ai trả lời được.