Năm tôi 5 tuổi thì xảy ra trận lụt lịch sử 1999. Nhà nội ở ven Quốc lộ 1A, khá cao ráo nên cũng hiếm khi bị nước lũ vào nhà. Thế nhưng, năm đó lại là ngoại lệ. Mưa to gió lớn, nước lũ từ phía cánh đồng làng dâng lên rất nhanh. Từ chỉ lấp ló phía ngoài đường, tràn nhanh vô sân rồi vào nhà chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Nước lụt cứ tiếp tục dâng lên một cách đáng sợ. Cho đến lúc nước ngấp nghé giường ngủ thì mệ mới quyết định đưa 3 mẹ con tôi, em nhỏ mới 1 tuổi, phải sơ tán lên nhà người thân ở trên cao. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến tận bây giờ phải đi ngủ “ké”, tôi nhớ cảm giác vừa sợ, vừa lo lắng, vừa bức bối khó chịu. Đêm ngủ cứ mong trời mau sáng để được về nhà. Mà đâu có dễ dàng. Phải mất mấy ngày liền, 3 mẹ con tôi mới được trở lại nhà. Năm ấy, nhà nội tôi nước ngập đến tận cửa sổ.

Không phải vô cớ mà nội tôi lo lắng bất an. Cũng bởi chỉ là căn nhà cấp 4, xây dựng cũng đã mấy chục năm rồi nên ngày càng xập xệ, không biết khi nào đổ sập. Nền nhà từ đất nện qua tráng xi măng nên cứ mỗi mùa mưa lụt là “lở loét”. Nước lụt tràn vào nhà mang theo nỗi lo sợ, khi rút đi để lại nhọc nhằn. Có lúc nội tôi thức suốt đêm, chờ nước rút xuống chừng nào thì dọn dẹp vệ chừng nấy. Mệ bảo, chậm làm vệ sinh, bùn đọng để lại vết tích bản không thể tẩy rửa được. Mang nỗi sợ ngập lụt, ba tôi chọn nơi cao ráo là Trường Bia để mua đất làm nhà. Sợ nước ngập nên cũng cố gắng làm nền rất cao. Nhà nội ở làng cũng được tu sửa lại với mái ngói, tường nhà vững chãi, đặc biệt là nền nhà được tôn cao, ngang gần bằng mực nước lũ năm 1999.

Cũng bởi ám ảnh về nỗi khổ ngày lụt nên tôi thích và đặc biệt ấn tượng về dự án xây dựng nhà “3 cứng”. Đây là dự án hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống, thiên tai theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Dự án GCF do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Là một trong số 7 địa phương được chọn để triển khai dự án, từ năm 2018 đến nay, Thừa Thiên Huế, đã có hàng trăm ngôi nhà “3 cứng”, có móng trụ bằng bêtông cốt thép, tường gạch, có sàn vượt lũ cao hơn 2m giúp người dân an tâm tránh trú bão, lụt đã được xây dựng ở vùng ven biển.

Ai đó từng phải “chạy lụt”, từng phải thấp thỏm trong những căn nhà dột nát ở những vùng thấp trũng mới thấu hiểu và thấm thía giá trị của những căn nhà kiên cố và cao ráo. Dân gian ta có “Nước lụt thì lút cả làng”. Thế nhưng, trong khi vẫn chưa có được giải pháp chống lụt hay ngay cả những khu đô thị mới ở phía đông thành phố vẫn tiếp tục góp mặt vào địa danh “vùng lụt” thì vẫn cần lắm những ngôi nhà vững chắc làm nơi trú ngụ an toàn cho một gia đình hay hơn thế, để nhiều nhà khó khăn cùng “ở ké” khi lũ lụt ngập tràn thôn xóm.

THỤC ĐAN