ClockThứ Bảy, 04/11/2023 13:24

Nỗi lo của nội

TTH - Tuổi thơ sống ở làng, tôi như thấm dần nỗi lo của nội. Hơn 20 năm trước, nhớ cứ mỗi lần mưa lụt lớn là nội lo dữ lắm. Nào lo thiếu củi đun, lo mưa cứ kéo dài không đi làm được, nào lo nhà dột và lo nhất là nước lụt vào nhà. Mệ kể và tôi nghe cũng hãi hùng về cơn bão số 8 năm 1985. Mưa to gió lớn suốt cả ngày đêm không nghỉ. Mái nhà tôn (nhà trên) và mái ngói (nhà dưới) bị gió giật mạnh như muốn hất tung lên. Cả nhà sợ quá, phải chui xuống gầm giường. Thế nhưng, sáng thức dậy, hơn nửa mái ngói cũng bị lột sạch trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

“Điều em muốn nói”

 

Năm tôi 5 tuổi thì xảy ra trận lụt lịch sử 1999. Nhà nội ở ven Quốc lộ 1A, khá cao ráo nên cũng hiếm khi bị nước lũ vào nhà. Thế nhưng, năm đó lại là ngoại lệ. Mưa to gió lớn, nước lũ từ phía cánh đồng làng dâng lên rất nhanh. Từ chỉ lấp ló phía ngoài đường, tràn nhanh vô sân rồi vào nhà chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Nước lụt cứ tiếp tục dâng lên một cách đáng sợ. Cho đến lúc nước ngấp nghé giường ngủ thì mệ mới quyết định đưa 3 mẹ con tôi, em nhỏ mới 1 tuổi, phải sơ tán lên nhà người thân ở trên cao. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến tận bây giờ phải đi ngủ “ké”, tôi nhớ cảm giác vừa sợ, vừa lo lắng, vừa bức bối khó chịu. Đêm ngủ cứ mong trời mau sáng để được về nhà. Mà đâu có dễ dàng. Phải mất mấy ngày liền, 3 mẹ con tôi mới được trở lại nhà. Năm ấy, nhà nội tôi nước ngập đến tận cửa sổ.

Không phải vô cớ mà nội tôi lo lắng bất an. Cũng bởi chỉ là căn nhà cấp 4, xây dựng cũng đã mấy chục năm rồi nên ngày càng xập xệ, không biết khi nào đổ sập. Nền nhà từ đất nện qua tráng xi măng nên cứ mỗi mùa mưa lụt là “lở loét”. Nước lụt tràn vào nhà mang theo nỗi lo sợ, khi rút đi để lại nhọc nhằn. Có lúc nội tôi thức suốt đêm, chờ nước rút xuống chừng nào thì dọn dẹp vệ chừng nấy. Mệ bảo, chậm làm vệ sinh, bùn đọng để lại vết tích bản không thể tẩy rửa được. Mang nỗi sợ ngập lụt, ba tôi chọn nơi cao ráo là Trường Bia để mua đất làm nhà. Sợ nước ngập nên cũng cố gắng làm nền rất cao. Nhà nội ở làng cũng được tu sửa lại với mái ngói, tường nhà vững chãi, đặc biệt là nền nhà được tôn cao, ngang gần bằng mực nước lũ năm 1999.

Cũng bởi ám ảnh về nỗi khổ ngày lụt nên tôi thích và đặc biệt ấn tượng về dự án xây dựng nhà “3 cứng”. Đây là dự án hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống, thiên tai theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Dự án GCF do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Là một trong số 7 địa phương được chọn để triển khai dự án, từ năm 2018 đến nay, Thừa Thiên Huế, đã có hàng trăm ngôi nhà “3 cứng”, có móng trụ bằng bêtông cốt thép, tường gạch, có sàn vượt lũ cao hơn 2m giúp người dân an tâm tránh trú bão, lụt đã được xây dựng ở vùng ven biển.

Ai đó từng phải “chạy lụt”, từng phải thấp thỏm trong những căn nhà dột nát ở những vùng thấp trũng mới thấu hiểu và thấm thía giá trị của những căn nhà kiên cố và cao ráo. Dân gian ta có “Nước lụt thì lút cả làng”. Thế nhưng, trong khi vẫn chưa có được giải pháp chống lụt hay ngay cả những khu đô thị mới ở phía đông thành phố vẫn tiếp tục góp mặt vào địa danh “vùng lụt” thì vẫn cần lắm những ngôi nhà vững chắc làm nơi trú ngụ an toàn cho một gia đình hay hơn thế, để nhiều nhà khó khăn cùng “ở ké” khi lũ lụt ngập tràn thôn xóm.

THỤC ĐAN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top