Các quốc gia cuối cùng sẽ cần thiết lập một mạng lưới hiểu biết toàn cầu để giúp hệ thống AI an toàn hơn và tránh để AI tạo ra rủi ro, bất ổn chiến lược. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN/Vietnam+ 

“Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng, làm thay đổi cuộc sống, đồng thời đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đạo đức. Chúng tôi đã phải trao đổi rất nhiều về những vấn đề mới nổi này trong phiên họp của các lãnh đạo”, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ trên Facebook.

Được biết, Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo (AISS) là sự kiện có sự tham gia của các chính phủ, công ty AI hàng đầu, các nhóm xã hội dân sự và các chuyên gia nghiên cứu để thảo luận về những rủi ro của AI, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển và cách giảm thiểu những rủi ro đó thông qua hành động phối hợp quốc tế.

Theo thông tin ghi nhận, Thủ tướng Lý Hiển Long tham gia sự kiện theo lời mời của Thủ tướng Anh Rishi Sunak và ông đã có bài phát biểu về cách tiếp cận và sử dụng AI của Singapore trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Để hiểu rõ hơn về AI có đạo đức, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết: “Cho dù là xe tự lái hay bác sĩ dựa vào chẩn đoán do AI tạo ra, hệ thống AI phải thấm nhuần bối cảnh và giá trị của con người. Chúng tôi hoan nghênh Viện An toàn AI mới của Vương quốc Anh và sự hợp tác của họ với Singapore trong việc kiểm tra an toàn”. Singapore đã đưa ra các biện pháp, như bộ công cụ kiểm tra AI Verify để giảm thiểu rủi ro không cần thiết.

Về Frontier AI, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, các quốc gia cần hợp tác vì an ninh chung, ngay cả khi cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, Frontier AI đề cập đến các hệ thống AI tiên tiến, tối tân vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng có tiềm năng cách mạng hoá nhiều ngành công nghiệp và khía cạnh của cuộc sống con người.

“Không ai được lợi khi hệ thống AI gặp trục trặc. Các quốc gia cuối cùng sẽ cần thiết lập một mạng lưới hiểu biết toàn cầu để giúp hệ thống AI an toàn hơn và tránh để AI tạo ra rủi ro, bất ổn chiến lược”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông cũng cho biết rằng tất cả các bên liên quan nên tham gia vào việc định hình các quy tắc và biện pháp bảo vệ, chi phối AI. Điều này cần được thực hiện bất kể quy mô quốc gia bởi các nước nhỏ hơn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi AI”.

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh những người tham gia thảo luận chính về AI như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, “cuộc trò chuyện” về an toàn AI này không thể chỉ gói gọn trong một số nước. Cụ thể, các quốc gia nhỏ như Singapore cũng tham gia nghiên cứu và triển khai AI. Do đó, nước này chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi AI, bao gồm cả lợi ích và rủi ro, điểm mạnh và điểm yếu của vấn đề.

Trong một thông tin có liên quan, hãng tin Straistimes dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore Josephine Teo rằng các nước tham gia hội nghị AISS đã nhất trí về 3 mục tiêu sau thảo luận, bao gồm:

Đầu tiên là phát triển kiến thức chuyên môn toàn cầu về nghiên cứu và phát triển an toàn AI. Mục tiêu thứ hai là tăng cường hợp tác trong thử nghiệm và kiểm toán AI và mục tiêu thứ ba là tiếp tục trao đổi giữa các bên, như chính phủ, các ngành công nghiệp, học viện và xã hội dân sự.

Mục tiêu chung cuối cùng là các bên mong muốn cùng tạo ra một AI đáng tin cậy, có thể mang lại lợi ích, hiệu quả cho nền kinh tế và xã hội.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, đại biểu từ các nước cũng đã nhất trí hợp tác để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn mà những tiến bộ tiên tiến trong AI gây ra, một động thái được Thủ tướng Anh Rishi Sunak mô tả là “thành tựu mang tính bước ngoặt”.

Đan Lê (Lược dịch từ Straistimes)