Bên trong không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab với những tác phẩm được trình chiếu bằng công nghệ hiện đại. Ảnh: X. LỘC |
Sau hơn 5 năm ấp ủ và gần 2 năm chuẩn bị, không gian Sốnglab được đặt trong tòa nhà 4 tầng với diện tích lên tới 1.000m2 đã chính thức vận hành, đón khách tham quan những ngày cuối tháng 10.
Nghệ thuật trên nền tảng công nghệ đa dạng
“Tất cả các tác phẩm trong không gian kỹ thuật số Sốnglab này đều được nhìn qua lăng kính sáng tạo của nghệ sĩ. Các nghệ sĩ không cố gắng mô phỏng lại văn hóa, di sản, mà những nguyên liệu này đã trở nên huyền ảo và siêu thực”, anh Dương Đỗ - nhà sáng lập kiêm chỉ đạo thực hiện Sốnglab đã mở đầu câu chuyện như thế.
Dương Đỗ kể rằng, 5 năm về trước anh đã hình dung về một không gian đặc thù, được đầu tư thiết bị máy móc tối tân để phục vụ chức năng kết nối những người làm sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở không gian này, các nghệ sĩ có thể thoải mái thể nghiệm và dùng công nghệ để trình diễn các tác phẩm của mình.
Sau rất nhiều đắn đo và tìm hiểu bài bản, Dương Đỗ và những cộng sự của mình đã chọn Huế để đặt không gian Sốnglab ngay tại một khu đất trung tâm của đô thị nổi tiếng bề dày văn hóa di sản. Bên trong không gian này được chia thành nhiều phòng lớn, có phòng chỉ trình chiếu trên màn hình, có phòng kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, có phòng thì nghệ thuật nhập vai, có phòng tạo nghệ thuật tương tác… Trên nền tảng công nghệ đa dạng như vậy, các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa truyền thống, âm nhạc, điêu khắc, múa đương đại… sẽ tìm thấy sự phù hợp với ngôn ngữ của mình. Về mặt kỹ thuật, dự án hợp tác với đơn vị cung cấp thiết bị trình chiếu 3D mapping hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Ở lần ra mắt này, Sốnglab đưa người xem vào thế giới vừa thực vừa ảo, không chỉ sống động sắc màu mà còn tạo cảm giác ấm áp khi được đứng giữa những tác phẩm ấy. Và yếu tố văn hóa di sản Huế chắc chắn sẽ nằm trong ý tưởng sáng tạo của các nghệ sĩ tham gia.
Người xem sẽ thấy được tác phẩm phim đồ họa 3D trình chiếu cùng âm thanh có tên “Đâm chồi nảy lộc” của tác giả Nguyễn Ngọc Quý. Tác phẩm này được tác giả lấy cảm hứng từ sự đa dạng của sự sống nói chung và văn hóa di sản Huế nói riêng để tạo ra một rừng hoa kỹ thuật số vô cùng độc đáo. Người xem sẽ thấy những loài hoa “siêu thực”, vừa quen vừa lạ, được nhào nặn từ các chất liệu bản địa như lụa, gốm, trúc chỉ… Rừng hoa đặc biệt này ẩn dụ cho sự song song tồn tại những điều khác biệt, đẹp đẽ trong xã hội của chúng ta. Chấp nhận và tận hưởng sự khác biệt, bởi vì chúng ta đều bình đẳng với nhau và bởi vì đó là sự thật của cuộc sống.
Tận hưởng để mở lòng trước sự khác biệt
Cách đó không xa, ở phòng khác, người xem sẽ bắt gặp “Mọi miền tiềm thức” của tác gia Cường Nguyễn. Với những hình ảnh vô cùng quen thuộc của Huế như lăng tẩm, khu chợ, gánh hàng rong…, người họa sĩ đã quét 3D rồi tái diễn trong môi trường đồ họa lập thể. Từ cảnh này chuyển qua cảnh khác, đưa người xem du hành vào một “vũ trụ ký ức” nửa thực nửa mơ đậm chất Huế.
Anh Dương Đỗ bảo, nghệ thuật là phương tiện để thay đổi tư duy, giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều về mọi việc và mở lòng trước những khác biệt trong cuộc sống. Trong đông đảo người xem, sẽ có người thích và không thích sự thể hiện văn hóa bản địa tại Sốnglab. “Nhưng khi các nghệ sĩ đã sáng tạo bằng mong muốn tích cực, thì chúng ta cũng hãy mở lòng để đón nhận những thứ đôi khi không cùng với suy nghĩ của mình", anh nói.
Theo TS. Phan Lê Chung, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế), không gian Sốnglab là công trình rất có ý nghĩa đối với cộng đồng yêu nghệ thuật cả nước nói chung và với Huế nói riêng. Dự kiến sắp tới, trường sẽ có nhiều chương trình hợp tác với Sốnglab như phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, triển khai các workshop chuyên đề hoặc các chương trình cộng đồng, tổ chức các chương trình talk về nghệ thuật đương đại, các chuyên đề khác của các diễn giả trong nước và quốc tế.
Ngoài ra hai bên sẽ phối hợp trưng bày các sản phẩm đào tạo của nhà trường theo các chuyên đề, như: thời trang, media, thiết kế đồ họa, nghệ thuật đương đại (video art, sắp đặt, nhiếp ảnh)…