ClockThứ Ba, 07/11/2023 12:17

Ở nơi nghệ thuật được trình diễn bằng kỹ thuật số

TTH - Được xem là không gian nghệ thuật kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam, Sốnglab (đường Bà Triệu, TP. Huế) là nơi người yêu nghệ thuật có thể thưởng lãm những tác phẩm đồ sộ được các nghệ sĩ mượn công nghệ để thể nghiệm trình diễn. Ở không gian này, mọi người như được đắm chìm trong một thế giới nghệ thuật đa sắc màu của công nghệ hiện đại.

Bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số "Sốnglab" hút khách Việt Nam sắp có không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số tại Huế

 Bên trong không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab với những tác phẩm được trình chiếu bằng công nghệ hiện đại. Ảnh: X. LỘC

Sau hơn 5 năm ấp ủ và gần 2 năm chuẩn bị, không gian Sốnglab được đặt trong tòa nhà 4 tầng với diện tích lên tới 1.000m2 đã chính thức vận hành, đón khách tham quan những ngày cuối tháng 10.

Nghệ thuật trên nền tảng công nghệ đa dạng

“Tất cả các tác phẩm trong không gian kỹ thuật số Sốnglab này đều được nhìn qua lăng kính sáng tạo của nghệ sĩ. Các nghệ sĩ không cố gắng mô phỏng lại văn hóa, di sản, mà những nguyên liệu này đã trở nên huyền ảo và siêu thực”, anh Dương Đỗ - nhà sáng lập kiêm chỉ đạo thực hiện Sốnglab đã mở đầu câu chuyện như thế.

Dương Đỗ kể rằng, 5 năm về trước anh đã hình dung về một không gian đặc thù, được đầu tư thiết bị máy móc tối tân để phục vụ chức năng kết nối những người làm sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở không gian này, các nghệ sĩ có thể thoải mái thể nghiệm và dùng công nghệ để trình diễn các tác phẩm của mình.

Sau rất nhiều đắn đo và tìm hiểu bài bản, Dương Đỗ và những cộng sự của mình đã chọn Huế để đặt không gian Sốnglab ngay tại một khu đất trung tâm của đô thị nổi tiếng bề dày văn hóa di sản. Bên trong không gian này được chia thành nhiều phòng lớn, có phòng chỉ trình chiếu trên màn hình, có phòng kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, có phòng thì nghệ thuật nhập vai, có phòng tạo nghệ thuật tương tác… Trên nền tảng công nghệ đa dạng như vậy, các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa truyền thống, âm nhạc, điêu khắc, múa đương đại… sẽ tìm thấy sự phù hợp với ngôn ngữ của mình. Về mặt kỹ thuật, dự án hợp tác với đơn vị cung cấp thiết bị trình chiếu 3D mapping hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Ở lần ra mắt này, Sốnglab đưa người xem vào thế giới vừa thực vừa ảo, không chỉ sống động sắc màu mà còn tạo cảm giác ấm áp khi được đứng giữa những tác phẩm ấy. Và yếu tố văn hóa di sản Huế chắc chắn sẽ nằm trong ý tưởng sáng tạo của các nghệ sĩ tham gia.

Người xem sẽ thấy được tác phẩm phim đồ họa 3D trình chiếu cùng âm thanh có tên “Đâm chồi nảy lộc” của tác giả Nguyễn Ngọc Quý. Tác phẩm này được tác giả lấy cảm hứng từ sự đa dạng của sự sống nói chung và văn hóa di sản Huế nói riêng để tạo ra một rừng hoa kỹ thuật số vô cùng độc đáo. Người xem sẽ thấy những loài hoa “siêu thực”, vừa quen vừa lạ, được nhào nặn từ các chất liệu bản địa như lụa, gốm, trúc chỉ… Rừng hoa đặc biệt này ẩn dụ cho sự song song tồn tại những điều khác biệt, đẹp đẽ trong xã hội của chúng ta. Chấp nhận và tận hưởng sự khác biệt, bởi vì chúng ta đều bình đẳng với nhau và bởi vì đó là sự thật của cuộc sống.

Tận hưởng để mở lòng trước sự khác biệt

Cách đó không xa, ở phòng khác, người xem sẽ bắt gặp “Mọi miền tiềm thức” của tác gia Cường Nguyễn. Với những hình ảnh vô cùng quen thuộc của Huế như lăng tẩm, khu chợ, gánh hàng rong…, người họa sĩ đã quét 3D rồi tái diễn trong môi trường đồ họa lập thể. Từ cảnh này chuyển qua cảnh khác, đưa người xem du hành vào một “vũ trụ ký ức” nửa thực nửa mơ đậm chất Huế.

Anh Dương Đỗ bảo, nghệ thuật là phương tiện để thay đổi tư duy, giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều về mọi việc và mở lòng trước những khác biệt trong cuộc sống. Trong đông đảo người xem, sẽ có người thích và không thích sự thể hiện văn hóa bản địa tại Sốnglab. “Nhưng khi các nghệ sĩ đã sáng tạo bằng mong muốn tích cực, thì chúng ta cũng hãy mở lòng để đón nhận những thứ đôi khi không cùng với suy nghĩ của mình", anh nói.

Theo TS. Phan Lê Chung, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế), không gian Sốnglab là công trình rất có ý nghĩa đối với cộng đồng yêu nghệ thuật cả nước nói chung và với Huế nói riêng. Dự kiến sắp tới, trường sẽ có nhiều chương trình hợp tác với Sốnglab như phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, triển khai các workshop chuyên đề hoặc các chương trình cộng đồng, tổ chức các chương trình talk về nghệ thuật đương đại, các chuyên đề khác của các diễn giả trong nước và quốc tế.

Ngoài ra hai bên sẽ phối hợp trưng bày các sản phẩm đào tạo của nhà trường theo các chuyên đề, như: thời trang, media, thiết kế đồ họa, nghệ thuật đương đại (video art, sắp đặt, nhiếp ảnh)…

Triển lãm kỹ thuật số có thể khiến nhiều người hoài nghi

Đại diện Sốnglab cho biết, trên thế giới đã có nhiều triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số thu hút hàng triệu người xem. Ngay nước láng giềng Singapore cũng mới có triển lãm Van Gogh đình đám vào tháng 6/2023. Ở nước ta, những triển lãm kỹ thuật số có thể khiến nhiều người hoài nghi. Thứ nhất là vì đa số người dân chưa tiếp cận được nghệ thuật đương đại. Thứ hai, là việc đầu tư một không gian nghệ thuật kỹ thuật số cần quy mô và vốn đầu tư lớn, liệu người Việt Nam có khả năng trải nghiệm hay không.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công binh có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh thuộc Cục Vận tải; ba đại đội công binh thuộc ba đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

TIN MỚI

Return to top