Bộ Chính trị ban hành quy định mới về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ảnh: thanhnien.vn 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã có nhiều bài học, những tấm gương của lãnh đạo dám dũng cảm nhận khuyết điểm của mình hoặc chịu liên đới với cấp dưới vi phạm. Tiếc rằng, những hành động đó chưa nhiều, chưa phổ biến, vẫn còn nhiều người vì danh lợi cá nhân mà sẵn sàng “phủi sạch” trách nhiệm, khuyết điểm để lại hậu quả khôn lường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi". Có khuyết điểm mà không dũng cảm nhận lỗi không những mất đi sự thông cảm mà còn bị người dân xem thường, khinh bỉ. Vì khi đã nhận khuyết điểm có thể ảnh hưởng đến chức vụ, quyền lợi, có khi còn đối diện với luật pháp. Đó là một cuộc đấu tranh quyết liệt, khó khăn, đòi hỏi không kém tinh thần dũng cảm của người lính khi ra trận.

Tự giác nhìn nhận khuyết điểm của tập thể và bản thân là “một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ ra.

Một trong những vấn đề được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở nhiều tổ chức làm chưa nghiêm, tự giác nhận khuyết điểm chưa trở thành nền nếp trong sinh hoạt Đảng. Những nơi mất đoàn kết, lãnh đạo thiếu gương mẫu thì nguyên tắc này bị xem nhẹ, thiếu nghiêm túc, làm cho đảng viên thui chột ý thức đấu tranh.

Trong một số cơ quan, cấp dưới thường có thái độ e dè, ngại phê bình, va chạm với cấp trên, nhiều khi thấy lãnh đạo sai cũng không dám góp ý, can ngăn, sợ bị hiểu lầm. Lãnh đạo biết sai nhưng cũng không dám nhận, vì lo phải chịu trách nhiệm hoặc sợ bị đánh giá yếu kém. Khi đã vi phạm pháp luật lại cố tìm cách đổ cho người khác, phủ nhận sai sót do mình gây ra. Hệ quả là nhận khuyết điểm, sai phạm chưa trở thành ý thức tự giác, thiếu trung thực như Điều lệ Đảng quy định. Và đó cũng chính là vấn đề tự giác từ chức, miễn nhiệm của cán bộ, nhất là cấp cao chưa thực sự trở thành nề nếp, chưa thành văn hóa ứng xử.

Chỉ có trên cơ sở thống nhất về nhận thức mới có quyết tâm sửa chữa sai phạm, khuyết điểm. Đòi hỏi cao nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh, lòng tự trọng, dám vượt lên chính mình. Sự tự giác, thành khẩn khắc phục, sửa chữa của mỗi người là yếu tố quyết định đánh giá cán bộ, đảng viên có thực sự cầu thị, cầu tiến hay không! Khắc phục được tình trạng phủ nhận khuyết điểm của mỗi đảng viên, từng tổ chức sẽ làm cho Đảng ngày càng hoàn thiện, nâng cao tính chiến đấu trong từng tổ chức.

Công khai, dũng cảm nhận khuyết điểm của cán bộ, đảng viên không những không làm cho Đảng mất uy tín, ngược lại uy tín được nâng lên, niềm tin đối với Nhân dân càng được củng cố. Nhìn nhận được khuyết điểm cũng là lúc tĩnh tâm, soi xét nghiêm túc, tự trọng với bản thân và người dân xung quanh khi có sai phạm do mình gây nên. Được như vậy cũng là lẽ bình thường, cần được khuyến khích và trở thành tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng khi có sai phạm nhưng không dám nhận, không tự giác từ chức, mặc dù Quy định 41 của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã nêu rõ.

Để cán bộ, đảng viên tự giác, trung thực, dám công khai và dũng cảm nhận khuyết điểm thì cấp trên, nhất là của người đứng đầu phải gương mẫu làm trước. Chỉ có thành khẩn nhận khuyết điểm, tự giác nhận thức được sai phạm và tự chịu trách nhiệm mới giúp cho đảng viên, cán bộ lãnh đạo tự thấy được vai trò, vị trí của mình. Người thành khẩn nhận lỗi, dũng cảm nhận trách nhiệm mới có thể rút ra được kinh nghiệm để sửa chữa, làm bài học cho người khác và đó cũng là khí chất cần có của người đảng viên chân chính. Ngược lại, có khuyết điểm mà không thành khẩn, thiếu dũng cảm sẽ khó thành tâm khắc phục, sớm muộn dễ sa vào cạm bẫy, tái phạm

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH