Ứng dụng công nghệ, đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất giúp nhiều doanh nghiệp tăng trưởng khá |
Doanh nghiệp phải chủ động nhập cuộc
Đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng hay xu hướng đổi mới sáng tạo của các DN... trước CMCN 4.0 là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho DN để tiếp cận, ứng dụng và đổi mới. Việc tiếp cận những thành tựu của CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để các DN bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường…
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Kim Tùng chỉ ra rằng, đa phần DN tỉnh là DN nhỏ và vừa với nguồn lực tài chính còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, quy trình chưa tối ưu, nền tảng công nghệ còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý, triển khai… Đại đa số DN còn ở khoảng cách rất xa về năng lực công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ sinh học, công nghệ số... khi cuộc CMCN 4.0 diễn ra. Nên để nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức của cuộc CMCN 4.0 để phát triển bền vững, DN cần chủ động hướng tới tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà cả công nghệ sinh học và các công nghệ mới khác.
Trong môi trường 4.0, công nghệ, cần phải thay đổi căn bản trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Không chỉ chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, các DN cần phải thay đổi công nghệ quản trị. Có nghĩa ứng dụng CNTT trong quản lý kinh doanh, áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới (như ISO, Lean, 5S, Kaizen, TPT…). Đồng thời DN cần chú trọng và tăng cường quản lý an ninh mạng và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng CNTT.
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng, sản phẩm hàng hóa, một số DN đã tích cực trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở các chương trình tiêu chuẩn hóa đồng bộ cho các sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi giá trị. Nhiều DN đã có những đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketing; đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh; đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng phù hợp với cuộc CMCN 4.0.
Nâng cao nâng suất, đảm bảo chất lượng
Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất, chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, kỹ năng sáng tạo và đổi mới... cho DN. Hỗ trợ cộng đồng DN trong hoạt động chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực; chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế...
Tỉnh luôn đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khuyến khích DN đổi mới sáng tạo. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu chuẩn đo lường chất lượng... được ngành KH&CN chú trọng triển khai.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Dương Anh thông tin, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong cuộc CMCN 4.0 và đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Những năm qua, tỉnh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu đếm năm 2025: nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số từ 15% đến 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo Nghị quyết 12 về chuyển đổi số của Tỉnh ủy.
Để kết nối tiêu thụ nông sản, nâng tầm nông sản Việt nói chung và nông sản của tỉnh nói riêng cũng như đồng hành cùng DN trong tiến trình chuyển đổi số, Sở TT&TT đã liên kết với một số sàn thương mại điện tử lớn để đưa sản phẩm của địa phương lên sàn qua ứng dụng Hue-S. Không chỉ cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người mua mà người bán khi tham gia trên sàn thương mại điện tử cũng được cung cấp các tiện ích, dịch vụ, chiết khấu tốt nhất có thể; đồng thời cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm.