Đầu tư dịch vụ công ích xã hội hiện nay nhiều đơn vị , doanh nghiệp chưa mặn mà

Nhớ lại thời điểm tỉnh mời gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải tại xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) rất ít đơn vị nhà thầu tham gia. Vì thế khi hội đồng thẩm định của tỉnh ít được quyền lựa chọn để “chọn mặt gửi vàng”. Tất nhiên, kết quả lựa chọn nhà đầu tư phải căn cứ các quyết định UBND tỉnh phê duyệt: quy hoạch, bộ tiêu chí kỹ thuật, công nghệ... để xem xét và kèm theo là những yêu cầu đảm bảo vệ môi trường, an toàn, tiến độ trong quá trình thực hiện dự án cũng như quá trình vận hành về sau.

Không riêng lĩnh vực xử lý rác thải, các hoạt động như sản xuất sạch, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường… vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính vẫn là do rào cản trong tiếp cận các nguồn tài chính.

Hiện nay, có rất nhiều nguồn tài chính để tiếp cận: ngân hàng, các quỹ đầu tư phát triển địa phương, các quỹ bảo vệ môi trường, các chương trình, dự án tài trợ từ các ngân hàng đa phương, tổ chức quốc tế... Nhưng điều kiện phía "cung" trước khi rót vốn cho bên "cầu" không thể không tính đến khía cạnh bền vững về tài chính, kể cả tính bền vững về môi trường, xã hội. Ví dụ đối với dự án xử lý rác thải, điều kiện bền vững về tài chính là phải đảm bảo doanh thu từ phí xử lý và sản phẩm tái chế để một phần hoàn trả tín dụng. Bền vững về môi trường là thu hồi tối đa tài nguyên trong rác, giảm diện tích chôn lấp, giảm tác động môi trường từ bãi chôn lấp... Bền vững về xã hội là ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường để giảm thiểu xung đột với cộng đồng dân cư lân cận, nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường...

Mới đây tại hội nghị tham vấn dự thảo giá phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP. Huế do Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức, một đơn vị đầu tư dịch vụ công ích ở cấp huyện chia sẻ, thời gian đầu tham gia, đơn vị khá đắn đo đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi nói lợi nhuận thu được ngay từ đầu là hoàn toàn không thể, phải chấp nhận mất khoảng từ 3-5 năm làm "không công". Nhưng điều chắc chắn là DN tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động và cái lớn nhất là giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Đầu tư cho môi trường hiện nay chưa được xem là hoạt động kinh doanh bền vững mà vẫn được quan niệm là gánh nặng ngân sách, là trách nhiệm chung của toàn xã hội vì chưa được hạch toán đúng và toàn diện các lợi ích lâu dài về kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư môi trường.

Mục tiêu chính của dự án môi trường là phục vụ cho cộng đồng, xã hội, nên việc lựa chọn nhà đầu tư có tầm và có tâm phải được xem trọng. Nhưng, mong muốn của hầu hết các nhà đầu tư, DN là được tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách về giá dịch vụ, cơ sở hạ tầng thiết bị, mặt bằng... Có như vậy mới tạo động lực cho các thành phần kinh tế tham gia và những dự án môi trường không đơn thuần phụ thuộc vào đầu tư công vốn còn hạn hẹp.

Bài, ảnh: MINH HOÀI