Người dân được sơ tán khỏi một khu vực ngập lụt ở Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Giám sát Bảo hiểm Quốc tế (IAIS), bao gồm các giám sát viên bảo hiểm và các cơ quan quản lý từ khoảng 200 khu vực pháp lý trên toàn cầu, đang tổ chức hội nghị thường niên tại Tokyo (Nhật Bản), từ ngày 9 - 10/11.
Theo một báo cáo từ Công ty tái bảo hiểm Swiss Re Group, trong giai đoạn 2013 - 2022, 85% thiệt hại kinh tế do thiên tai ở châu Á, và 83% ở châu Mỹ Latinh không được bảo hiểm chi trả. Các nước đang phát triển thường gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, một phần do tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người dân thấp.
Ngay cả ở các nước phát triển, nơi bảo hiểm tư nhân phổ biến, khó có thể có được bảo hiểm ở những khu vực nguy cơ cao, chẳng hạn như các khu vực gần sông. Tại bang Florida (Mỹ), nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão, phí bảo hiểm nhà cửa đã tăng gấp 3 lần so với mức trung bình toàn quốc vào năm 2022.
Qua đó, báo cáo kêu gọi khuyến khích sự tham gia bảo hiểm thông qua "một môi trường giám sát và quản lý thuận lợi". Môi trường pháp lý có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của bảo hiểm sử dụng các công nghệ mới. Ngoài ra, khuyến khích các cơ quan chức năng dẫn dắt những cuộc thảo luận giữa khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ về việc chia sẻ rủi ro.
Trong khu vực, Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) là một mô hình hợp tác công tư; trong đó, các quốc gia bao gồm quốc gia tài trợ lớn nhất là Nhật Bản đóng góp phí bảo hiểm để cung cấp bảo hiểm thiên tai cho những quốc gia trong khu vực này.
Bên cạnh đó, IAIS cũng mong muốn tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, và chia sẻ kiến thức với các cơ quan ở những nước đang phát triển còn thiếu kiến thức về giám sát; đồng thời có kế hoạch tăng cường hợp tác với các nhóm khác như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).