Một mẫu taxi bay được thử nghiệm tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong cuộc họp đầu tiên diễn ra vào ngày 9/11, các cơ quan này đã đặt mục tiêu phát triển một bộ tài liệu tham khảo quy định vào năm 2025, mà mỗi quốc gia có thể điều chỉnh và áp dụng để quản lý các lĩnh vực taxi hàng không và máy bay không người lái đang nổi lên.
Cuộc họp do CAAS tổ chức, với sự tham dự của các đại diện đến từ 17 cơ quan hàng không dân dụng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 24 viện nghiên cứu thuộc khu vực tư nhân, và các công ty như Skyports Infrastructure và nhà sản xuất hàng không vũ trụ Vertical Aerospace.
Trong một nhận định liên quan, Tổng Giám đốc CAAS, ông Han Kok Juan cho biết: “Các cơ quan quản lý cần bắt kịp công nghệ để có thể tận dụng tối đa lợi ích của việc đảm bảo an ninh, cũng như an toàn công cộng và hàng không. Đây không phải là điều mà bất kỳ một cơ quan quản lý nào có thể tự mình làm được”.
Theo đó, các cơ quan hàng không dân dụng nhất trí rằng, 2 lĩnh vực ưu tiên đối với máy bay không người lái là hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo nhân sự. Đối với taxi hàng không, các cơ quan này đã nhất trí về 6 lĩnh vực ưu tiên, trong đó bao gồm chứng nhận, hợp tác giữa các cơ quan cấp quốc gia của một quốc gia, và giáo dục cộng đồng để thúc đẩy hình thức vận tải hàng không mới này…
Ông Han Kok Juan lưu ý, sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý sẽ cho phép CAAS hiểu được cách giảm thiểu rủi ro đối với các hoạt động taxi hàng không, đồng thời áp dụng thông tin này vào các yêu cầu quy định đối với Singapore.
Được biết, taxi hàng không là loại máy bay nhỏ, có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, vận chuyển hành khách trên những khoảng cách ngắn trong một quốc gia. Nhiều mẫu taxi bay đã được chứng nhận, hoặc đang trong quá trình được chứng nhận ở các quốc gia khác nhau.
Hồi tháng 10 vừa qua, taxi bay chở khách hoàn toàn tự động của công ty khởi nghiệp EHang đã được phê duyệt hoạt động tại Trung Quốc; trong khi đó, Cơ quan an toàn hàng không của Liên minh châu Âu (EASA) hiện đang xem xét việc cấp giấy chứng nhận cho taxi bay Volocopter để kịp cho Thế vận hội Paris 2024.