Những cơn mưa chớm đông năm nào cũng dai dẳng. Nước sông đục ngầu, xăm xắp bờ, chực tràn lên nhấn chìm ruộng nương, biền bãi. Lũ học trò sau giờ học không còn hào hứng tắm mưa như đợt đầu mùa, chúng rút hết vào nhà, loanh quanh đuổi bắt, chọc ghoẹo nhau tại gian nhà trên, có khi thì dàn hàng, yên vị trên những chiếc ghế con đặt quanh bếp lửa nghe mẹ và nội xôn xao những câu chuyện vặt.
Nỗi lo thường trực của nội trong những ngày mưa là số phận của mấy luống khoai từ, khoai tía trồng ở góc rẫy cách nhà vài bờ ruộng. Đất ở đó là kiểu đất đồi pha sỏi. Những thớ đất đỏ càng sậm màu, dẻo quánh khi gặp mưa.
Nếu trồng khoai lang chỉ cần kéo đất, vun cao thành vồng rồi giâm cành xuống, thì trồng khoai từ, khoai tía lại vất vả, dụng công hơn. Sau gần một tháng chôn củ giống, các chồi khoai màu non bắt đầu chi chít đâm lên khỏi đất. Lúc này, cha và nội sẽ cùng chẻ tre để “làm nhà” cho khoai. “Nhà” ở đây chính là những chiếc choái được cắm xuống đất làm chỗ dựa để khi dây khoai càng lớn thì có chỗ bám vào.
Tôi không thể quên được những buổi trưa mình từng chơi đồ hàng cùng chúng bạn dưới tán cây đào. Trên nền đất đầy bụi, lấp loáng những vệt nắng xen kẽ những bóng râm, chúng tôi chơi trò mua bán, trong đó, những tờ tiền được quy đổi bằng những chiếc lá khoai từ. Khi sự tráo đổi diễn ra càng nhiều thì đám lá hình tim trên dàn khoai của nội lại càng thưa thớt. Nội mắng, mẹ mắng, đâu đó rớt lại những tiếng cười…
Những ngày mưa, nhìn vào rổ củ từ, củ tía nội mang vào nhà, tụi trẻ con càng thấy việc ở yên trong nhà là đúng đắn. Cùng với những chiếc rễ nhỏ tua ra, lớp đất đỏ ướt sũng càng keo lại, bám dính quanh củ khoai như một lớp đất sét. Vào mùa này, trên rẫy, đám su hào, ngò gai, sả, củ ném cũng đang chờ người hái về. Chúng buông nhánh, buông lá rớt lòa xòa xuống mặt đất rồi dần dần úng nước, ngả vàng, nếu không thu hoạch kịp thì sẽ chẳng còn gì trụ nổi đến hết mùa mưa.
Để có nồi khoai đầu mùa đãi các cháu, nội phải cho hết đám khoai vào ngâm một lúc lâu trong chiếc ang đất hứng nước mưa tại khu vực máng xối. Sau khi rửa sạch, nội dùng chiếc dao nhíp cắt bớt những chiếc rễ rồi xếp vào nồi. Nội bảo khoai từ, khoai tía trồng trên đất rẫy thì chùm củ không to, không nhiều bằng trồng chốn đất biền. Khi luộc lên, ruột khoai cũng không quá tơi bở, đôi củ còn nhẫn nhẫn, trặt trặt nhưng vị lại ngọt, dẻo và đậm mùi thơm.
Khoai từ hay luộc, còn khoai tía nội dùng để nấu canh. Rá khoai màu tím được xắt lát mỏng, rửa cho trôi bớt nhớt rồi đem nấu với tép sông và lá ném tươi tỏa ra mùi thơm bùi, ngọt béo rất hao cơm. Mặc cho bên ngoài trời đất buông màn xám xịt, bát canh khoai tía bốc khói, giữ được hơi nóng lâu càng như chất xúc tác níu chân mọi người ngồi lại, không ngớt chuyện trò, cười nói cùng nhau.
Bây giờ, mỗi khi mùa màng chuyển dịch về phía cuối năm, thời gian trôi qua trong ánh ngày tranh tối, tranh sáng, tôi ở phố lại miên man ngồi nhớ về khu đất rẫy của gia đình. Nơi nội thâm canh thêm mấy luống khoai từ, khoai tía cùng đám rau ngắn ngày, có đám lá không ngừng lay động dưới những cơn mưa. Những dòng nước chảy dọc, dồn ứ trên những tàu lá chuối rồi chốc chốc lại rớt xuống ào ào, lộp độp xói lỗ sau khu vườn.
Ở quê ấy, càng vào buổi ẩm lạnh, gió mưa, thì bên trong những gian nhà lại càng đoàn tụ, ấm áp bởi cảm giác nông nhàn.
Ai lớn lên, đi xa rồi cũng nhớ những ngày mưa thơm thoảng những mùi hương.