Sáng 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: quochoi.vn |
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chiều 2/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án luật và tiến hành thảo luận ở tổ ngày 15/11. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ về dự án luật này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận đối với 7 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, đặc biệt về Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm Xã hội, về mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, quản lý, thu Quỹ BHXH, thẩm quyền của cơ quan BHXH, điều kiện, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, quy định hưởng BHXH một lần, xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
Tham gia thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có những điều chỉnh quan trọng nhằm đảm bảo tính phù hợp và sát thực tế hơn.
Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định vào hành vi bị nghiêm cấm; sửa đổi một số quy định về nghỉ dưỡng sức đối với nữ lao động; quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động…
Liên quan đến nhóm quyền lợi của người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Sửu lưu ý đến việc bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với việc chiếm dụng tiền đóng BHXH vào khoản 2 Điều 8, bổ sung loại hình Bảo hiểm thất nghiệp vào nghiêm cấm hành vi chiếm dụng.
Về dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau tại Điều 43, quy định giao công đoàn và người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ là chưa phù hợp với thực tế, khó xác định thế nào là tình trạng sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian nghỉ, hưởng chế độ ốm đau và thai sản. Mặt khác, quy định số ngày nghỉ dưỡng tối đa dễ bị lạm dụng, lợi dụng và thiếu công bằng, do vậy, đại biểu đề nghị bỏ từ “tối đa” và bỏ chủ thể quyết định mà quy định rõ số ngày nghỉ dưỡng đối với từng trường hợp cụ thể vào dự thảo luật. Tương tự, cần điều chỉnh với điều khoản của Điều 59 của dự luật đối với lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Về quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động, tại Điều 13, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị tách thành 2 điều riêng, gồm: Điều quy định về quyền trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; điều về quyền, trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động. Ngoài ra, tách quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành hai khoản riêng.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu, rất nhiều quyền và trách nhiệm gắn liền với tổ chức Công đoàn mà Hiến pháp, Luật Công đoàn đã giao cho tổ chức công đoàn với tư cách là tổ chức chính trị xã hội. Trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, Điều 37 quy định về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, trong đó, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện, bởi khởi kiện dân sự hoàn toàn độc lập với xử lý hành chính, xử lý hình sự. Trong khi đó, dự thảo luật đang quy định theo hướng khởi kiện vụ án dân sự sau khi cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan BHXH…
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH hội nêu.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương, đã có 27 đại biểu phát biểu tại hội trường, 8 ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp, thuộc về quy định của luật, quy định của văn bản dưới luật, hoặc do tổ chức thực hiện để có định hướng tiếp thu, sửa đổi cho đúng, toàn diện.
Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các đoàn ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.