Biểu tượng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh minh họa: ADB/TTXVN

Tuyên bố này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), sự kiện đang diễn ra từ ngày 30/11 - 12/12 ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

“Cánh cửa cơ hội để đảm bảo một tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người đang nhanh chóng đóng lại. Nhận thức được mối liên hệ giữa 3 cuộc khủng hoảng trên hành tinh về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm, việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, và Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) đòi hỏi tất cả chúng ta phải tăng cường nỗ lực một cách khẩn cấp và có quy mô”, tuyên bố chung của các ngân hàng phát triển đa phương cho biết.

Trong một nhận định liên quan, Đặc phái viên về Khí hậu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Warren Evans lưu ý: “Sự hợp tác giữa các ngân hàng phát triển đa phương đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là một công việc lớn, phức tạp, và cần được thực hiện một cách khẩn cấp ngay bây giờ. Với tư cách là ngân hàng khí hậu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ADB cam kết tăng cường nguồn tài chính khí hậu rất cần thiết từ các nguồn lực và thông qua quan hệ đối tác để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi nhanh trước những tác động của khí hậu”.

Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng về khí hậu và sinh thái còn gắn liền với nhiều thách thức toàn cầu khác. Qua đó, các ngân hàng phát triển đa phương cũng cam kết tăng cường hợp tác phù hợp với những nhiệm vụ và khuôn khổ quản trị tương ứng về thiên nhiên, nước, y tế và giới tính.

Tuyên bố chung nói trên được xây dựng dựa trên những tiến bộ và kết quả chính đã đạt được cho đến nay. Vào năm 2022, các ngân hàng phát triển đa phương đã cung cấp mức tài trợ khí hậu và huy động tài chính tư nhân ở mức kỷ lục. Họ đã cùng cam kết tài trợ khí hậu 61 tỷ USD cho những nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, tăng 18% so với năm 2021; và gần 100 tỷ USD ở tất cả các nền kinh tế nơi những đơn vị này hoạt động. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tài chính thích ứng chiếm 37% tài chính được cam kết; và tổng đồng tài trợ khí hậu đạt 46 tỷ USD, trong đó 15 tỷ USD từ huy động tài chính tư nhân.

THANH NGÂN (Lược dịch từ ADB)