Các máy bay đỗ tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, có những nghi ngờ về việc liệu điều đó có trở thành hiện thực trong một môi trường kinh tế không chắc chắn hay không, cũng như những lo lắng ngày càng sâu sắc về tác động của hoạt động đi lại đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Hãng hàng không Really Cool Airlines của Thái Lan dự kiến sẽ bắt đầu bay giữa Bangkok (Thái Lan) và Nhật Bản vào khoảng giữa năm 2024, nhưng Giám đốc Điều hành Patee Sarasin của đơn vị này cho biết, việc ra mắt một hãng hàng không mới ngay sau đại dịch là một quyết tâm lớn. “Đông Nam Á có lẽ sẽ trở thành một trong những trung tâm của lĩnh vực này trong tương lai, với sự suy giảm ở khu vực châu Âu và Mỹ”, ông Patee Sarasin nói thêm.

Trong giai đoạn đại dịch, hoạt động bay đã gặp phải khó khăn trên toàn cầu, khi các chuyến đi lại quốc tế gần như ngừng hoạt động, nhưng ngành này đang lạc quan về sự phục hồi, bằng chứng là một loạt các đơn đặt hàng lớn tại Triển lãm Hàng không Dubai diễn ra trong tháng 11 vừa qua, và lợi nhuận tăng vọt của những hãng hàng không như Air France -KLM và Ryanair.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á cũng đang trở thành một khu vực tài sản hấp dẫn, với các nhà đầu tư cạnh tranh để giành lấy một thị trường đang mở rộng. Khu vực này hiện chiếm 10% lưu lượng toàn cầu, với hơn 500 triệu hành khách hồi năm 2019. Và hãng sản xuất máy bay Boeing kỳ vọng con số này sẽ tăng khoảng 9,5% mỗi năm trong 2 thập kỷ tới, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 6,1%.

Trên khắp khu vực, các Chính phủ đang chi hàng tỷ USD để nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng sân bay. Cụ thể, tại Thái Lan, một nhà ga mới đã được khai trương tại Suvarnabhumi, sân bay quốc tế chính của Bangkok vào tháng 9, và đường băng thứ 3 đang được xây dựng.

Trong khi đó, Campuchia có kế hoạch lớn để đưa sân bay mới trị giá 1,5 tỷ USD của Phnom Penh, dự kiến vào năm 2025, trở thành một trung tâm khu vực với khoảng 50 triệu hành khách vào năm 2050.

THANH NGÂN (Lược dịch từ The Straits Times & AFP)