Các đại biểu trao đổi tại hội thảo |
Được xem là môn học quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay môn lịch sử cần được coi trọng để gìn giữ bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc dạy và học môn này đang có nhiều vấn đề đặt ra thực sự lo ngại.
Đông đảo các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục… đã có nhiều tham luận cũng như góp ý xoay quanh việc đổi mới đào tạo giáo viên lịch sử đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, thực trạng dạy và học lịch sử ở trường THPT hiện nay. Vị thế và những vấn đề đặt ra đối với môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, phát triển năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học lịch sử cũng được đưa ra bàn luận.
Có ý kiến cho rằng, muốn nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường phổ thông thì phải đổi mới đồng bộ các yếu tố của quá trình dạy học, trong đó, vai trò quyết định nhất vẫn là người thầy. Việc đẩy mạnh trải nghiệm cũng được các chuyên gia ủng hộ bởi không chỉ giúp người học hình thành và chiếm lĩnh tri thức lịch sử một cách chủ động, nhanh chóng mà còn phát triển các kỹ năng cần thiết.
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, cần có những thay đổi nhận thức về vị trí của môn học lịch sử trong giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa, cần đổi mới cách dạy mang tính thuyết phục có cơ sở khoa học…