Khách quốc tế tham quan di tích ở Huế

Khách quốc tế tăng

Diễn biến thị trường cho thấy, cơ cấu khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế đang phục hồi mạnh mẽ và trở nên đa dạng, cân bằng hơn. Trong 11 tháng năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt gần 2,8 triệu lượt, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 942.228 lượt, tăng 370% so với cùng kỳ năm trước. Khách lưu trú ước đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 487.900 lượt; tăng 277% so với năm trước. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.088 tỷ đồng, tăng hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến từ nhiều quốc gia, châu lục khác nhau, trong đó top 10 thị trường khách quốc tế đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Úc, Anh, Hà Lan.

Tín hiệu tích cực từ thống kê thị trường khách quốc tế đang rất sáng sủa. Chỉ so sánh các tháng gần nhất, lượng khách quốc tế đang tăng. Tháng 11/2023, Huế đón hơn 100.500 lượt khách quốc tế, đạt hơn 106,5% so với tháng trước. Còn trong tháng 10/2023, Huế đón khoảng gần 77.200 lượt khách quốc tế, đạt hơn 113,4% so với tháng 9/2023. Từ nay đến khoảng tháng 3/2024 là giai đoạn cao điểm khách quốc tế, vì thế những con số về lượng khách từ nhiều nước trên thế giới đến Cố đô của Việt Nam sẽ còn nhảy vọt.

 Khách du lịch trải nghiệm ở Huế bằng xích lô

Bức tranh thu hút thị trường khách quốc tế còn sáng khi ngày 15/8/2023, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với những điều chỉnh về thị thực theo hướng cởi mở hơn đã mở ra một lộ trình thông thoáng để Việt Nam rộng cửa đón khách quốc tế. Thực tế, từ sau khi Luật có hiệu lực, các thị trường khách quốc tế quan tâm nhiều hơn đến du lịch Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế. Nhiều dự báo, gợi ý của các tạp chí chuyên ngành trên thế giới cũng đã nhắc đến du lịch Huế cho hành trình khám phá du lịch sắp tới.

Đa dạng thị trường

Chính sách visa mới sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy thị trường khách quốc tế trong năm 2024. Thông thường, ít nhất phải 6 tháng mới thấy được sự tác động rõ nét từ các chính sách visa mới. Theo một số chuyên gia, tuy chính sách mới về visa của Việt Nam có hiệu lực từ giữa tháng 8/2023, bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực cho ngành du lịch, nhưng chưa thể tạo ra đột phá ngay trong giai đoạn cuối năm nay mà sẽ tạo ra hiệu quả trong chặng đường dài hơi hơn kể từ năm 2024. Còn theo dự đoán của các tổ chức du lịch quốc tế, năm 2024, triển vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ là động lực cho ngành du lịch. Với thế mạnh về đa dạng tiềm năng, loại hình du lịch, ngành công nghiệp không khói ở Cố đô sẽ có những lợi thế nhất định trong việc thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, du khách hiện nay, đặc biệt là nhóm khách du lịch trẻ có xu hướng lựa chọn điểm đến thông qua tham khảo thông tin du lịch từ các chia sẻ cảm nhận du lịch từ người thân, bạn bè, người nổi tiếng, các blog du lịch, các mạng xã hội... thay vì xem các quảng cáo du lịch thông thường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đa dạng hóa trải nghiệm cho khách hàng.

Trong một cuộc họp của ngành du lịch vừa qua, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, ở phân khúc thị trường quốc tế cũng có những phân khúc thị trường riêng. Vì vậy, các vùng, các địa phương cần xác định rõ để có chính sách thị trường cụ thể. Từ định hướng của ngành du lịch quốc gia, địa phương và doanh nghiệp du lịch tại địa phương cần có chiến lược kinh doanh để xâm nhập thị trường, phát triển kinh doanh cho đơn vị. Đáng lưu ý là định hướng phân khúc thị trường có thể thay đổi theo thời gian, nhu cầu khách khi đến Việt Nam.

Ngành du lịch tỉnh hiện đã có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường khách châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, khu vực các nước ASEAN. Bên cạnh đó, các thị trường quốc tế, như: Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu, các thị trường khách người Hồi giáo cũng được ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành địa phương tìm cách khai thác, thu hút khách. Bên cạnh đó, chú trọng các thị trường đã được miễn visa, có khả năng chi tiêu cao, nghỉ dưỡng dài ngày cũng như mở rộng khai thác thị trường mới là Trung Đông và Ấn Độ.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, hiện ngành du lịch phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan đang nỗ lực xúc tiến, mở thêm nhiều đường bay đến các thị trường khách quốc tế, tổ chức các chuyến bay thuê nguyên chuyến đưa khách đến và đi hai chiều. Đồng thời, nỗ lực phối hợp với các đối tác nước bạn để giới thiệu sản phẩm du lịch, xây dựng các tour tuyến để quảng bá đến du khách.

Việc đa dạng thị trường khách quốc tế cũng phải song hành với việc nghiên cứu nhu cầu, sở thích của từng thị trường khách quốc tế. Ngành du lịch và các đơn vị lữ hành cần nghiên cứu xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn để tạo ấn tượng với du khách.

Bài, ảnh: Hữu Phúc