Chế độ ăn uống không lành mạnh khiến nhiều trẻ em Malaysia bị suy dinh dưỡng thấp còi. Ảnh minh họa: UNICEF

Dựa trên Khảo sát về Sức khỏe và Bệnh tật Quốc gia năm 2022, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng đến khoảng 21,2% tổng số trẻ em ở Malaysia. Và vấn đề này ảnh hưởng đến trẻ em ở cả hai đầu của phạm vi tài chính – tức là cả người giàu và người nghèo. Một số trẻ thấp còi trong các gia đình giàu có do lối sống bận rộn của cha mẹ, trong khi đối với những trường hợp khác, nguyên nhân là do nghèo đói. Thậm chí, bà Hannah Yeoh - Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia cho biết đã gặp những gia đình chỉ pha nước với đường cho con uống vì không có tiền mua sữa.

Dữ liệu từ Bộ Y tế nước Malaysia trong 5 năm qua cho thấy 29,7% trẻ em từ 4 tuổi trở xuống ở nước này  đã hoặc đang bị chậm phát triển, và tình trạng này không chỉ xảy ra với những nhóm thu nhập thấp.

Kelantan - một trong những bang nghèo nhất của Malaysia - và Putrajaya, thủ đô hành chính của đất nước và là một trong những khu vực giàu có nhất, đều có tỷ lệ trẻ em bị chậm phát triển cao nhất so với quần thể trẻ em tương ứng, cho thấy điều này ảnh hưởng đến cả nhóm thu nhập thấp và nhóm khá giả.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Malaysia, Thứ trưởng Bộ Y tế Lukanisman cho biết “những người có thu nhập thấp hơn có xu hướng mua thực phẩm rẻ và ít dinh dưỡng hơn do nguồn tài chính hạn chế, và điều này càng trở nên tồi tệ hơn do chi phí sinh hoạt tăng cao trong vài năm qua. Trong khi đó, nhiều người có thu nhập cao hơn lại quá tập trung vào sự nghiệp, khiến họ có ít thời gian nấu ăn ở nhà”, ông giải thích và nói thêm rằng điều này khiến họ lựa chọn những bữa ăn ít dinh dưỡng hơn - ví dụ như đồ ăn nhanh, cho gia đình.

Với hy vọng có thể giảm bớt tình trạng này, Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia tháng trước đã phát động chương trình sữa miễn phí cho trẻ trong vòng 1 năm. Với sự cộng tác của Hiệp hội Hàn Quốc-Malaysia và một công ty sữa trong nước, dự án này sẽ cung cấp sữa miễn phí cho hàng trăm trẻ em từ 6 tuổi trở xuống thuộc các gia đình có thu nhập thấp, nhằm “thúc đẩy sự tăng trưởng lành mạnh và đảm bảo không có trẻ em nào bị đói”, khi đây là giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ.

Song song đó, các máy bán hàng tự động ở nước này cũng sẽ bán sữa với giá gần bằng giá gốc và mã QR trên máy cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe và tâm thần miễn phí cho người dân thông qua một ứng dụng có tên là Doctor Anywhere.

Giáo sư Dinh dưỡng Poh Bee Koon của Đại học Kebangsaan Malaysia cho biết một số nguyên nhân gây còi cọc có thể kể đến gồm chế độ ăn uống không đầy đủ, bệnh tật, môi trường gia đình không lành mạnh và các yếu tố kinh tế xã hội.

Giáo sư Poh đã dẫn đầu một cuộc khảo sát gần đây với gần 3.000 trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi cho thấy trẻ em Malaysia phải đối mặt với “gánh nặng gấp 3 về suy dinh dưỡng”, bao gồm suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất, và béo phì.

Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng phần lớn số trẻ em trong khảo sát không nhận được lượng vitamin D (95% trẻ) và canxi (80% trẻ) được khuyến nghị hàng ngày, đồng thời cho thấy tỷ lệ tiêu thụ sữa - nguồn cung cấp canxi và protein chính cho cơ thể, chỉ ở mức thấp.

Trước tình hình đó, Giáo sư Poh cho rằng Chính phủ Malaysia nên khôi phục chương trình bữa sáng miễn phí cho học sinh tiểu học vì nhiều học sinh thuộc mọi nhóm thu nhập không ăn sáng trước khi đến trường. Điều này sẽ có thể giúp làm giảm các trường hợp chậm phát triển và tăng khả năng tập trung của học sinh trong lớp, cũng như tăng hiệu suất của các em trong các bài kiểm tra nhận thức.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)