Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra đo nồng độ cồn |
Vào các chiều và tối hàng đêm, CSGT – TT trên địa bàn toàn tỉnh đều tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng rượu, bia, nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện TGGT.
Không chỉ trên các trục đường chính, nơi có nhiều nhà hàng, quán nhậu, mà ở các tuyến đường rẽ nhánh, lực lượng CSGT – TT cũng sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát để xử lý nồng độ cồn.
“Không chỉ tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trung tâm, mà cả vùng ven TP. Huế, chúng tôi cũng có lực lượng để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là nồng độ cồn”, một cán bộ Đội CSGT – TT Công an TP. Huế cho biết.
Từ thực tế, cũng có ý kiến này nọ xung quanh việc CSGT xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện TGGT, mà trong hơi thở có cồn. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra của lực lượng CSGT – TT là, thay đổi ý thức của người TGGT “đã uống rượu, bia không lái xe”; kéo giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra.
Thời gian qua, ý thức của người TGGT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều người lo lắng khi bị CSGT phạt nặng vì đã sử dụng rượu, bia, nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện TGGT. Không ít người lựa chọn cho mình là, sử dụng xe taxi, grap hoặc gọi người thân đến chở về khi đã sử dụng bia, rượu.
Từ đầu năm 2023 đến nay, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 16.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 7.500 trường hợp vi phạm tốc độ, tước giấy phép lái xe hàng nghìn trường hợp. Qua đó, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ; số người chết do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm sâu 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy đã đạt được kết quả nhờ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm nồng độ cồn, nhưng thực tế, cũng có không ít người cố tình điều khiển phương tiện TGGT khi đã sử dụng bia, rượu. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông do bia, rượu.
Tâm lý chủ quan, cố tình né tránh lực lượng CSGT – TT của người điều khiển phương tiện TGGT khi đã sử dụng rượu, bia vẫn xảy ra. Ở đâu đó, các vụ tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra vẫn là nỗi nhức nhối, ám ảnh của mọi người dân và xã hội.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình trạng người dân sử dụng bia, rượu tăng cao. Vì vậy, không chỉ lực lượng công an mà cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan cần quán triệt, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia cố tình điều khiển phương tiện TGGT.
“Công an tỉnh, công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm mà nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông; trong đó, có nồng độ cồn; xử lý triệt để, duy trì thường xuyên, liên tục trên tất cả các tuyến, địa bàn cấp huyện, nhằm tiếp tục gửi đi thông điệp đến mọi người “đã uống rượu, bia không lái xe”; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định.