Người bệnh thực hành các công việc tại Nhà trung chuyển Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng TTYT Phú Vang 

Theo thống kê, toàn tỉnh có 20.408 người khuyết tật chiếm 1,76% dân số. Trong số những người khuyết tật đang được quản lý tại cộng đồng thì 3.645 người có nhu cầu khám xác định khuyết tật ở tuyến trên; 9.142 người có nhu cầu can thiệp chăm sóc, phục hồi chức năng; 4.371 người cần dụng cụ phục hồi chức năng PHCN.

Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh PHCN là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh; là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và người dân có vấn đề sức khỏe. Chương trình tập trung duy trì và phát triển mạng lưới PHCN phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Phát triển dịch vụ PHCN trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và PHCN dựa vào cộng đồng...

Theo Giám đốc sở Y tế Trần Kiêm Hảo, chương trình phục hồi chức năng PHCN và PHNC dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh có bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe toàn diện. Nhiều cơ sở y tế có hướng đầu tư đúng đắn, ngày càng thu dung được nhiều đối tượng có nhu cầu PHCN và điều trị các bệnh mãn tính. Hàng ngàn người khuyết tật được hỗ trợ PHCN và tạo điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập vào cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội.

Qua buổi họp tham vấn, các sở, ban ngành, các đơn vị thảo luận, đóng góp các ý kiến nhằm giúp xác định chiến lược, định hướng triển khai Kế hoạch phát triển hệ thống PHCN hiệu quả, phù hợp thực tế.

Tin, ảnh: LINH TUỆ