Do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino, giá đường và nhiều loại hàng hóa mềm khác sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh minh họa: kinhte.congthuong.vn |
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa nông sản tại Rabobank Carlos Mera chia sẻ: “Có thể nói rằng El Nino rất “thích đồ ngọt” vì nó đã ăn và lấy đi phần lớn lượng đường trên thế giới””.
Theo đó, không chỉ giá đường mà chắc chắn đối với sô cô la, giá bán lẻ cho sản phẩm này sẽ chứng kiến mức tăng tương đối lớn.
Được biết, hiện tượng El Nino quay trở lại vào đầu năm nay là một kiểu khí hậu xuất hiện tự nhiên, khi nhiệt độ nước biển ở phía Đông Thái Bình Dương tăng 0,5oC so với mức trung bình dài hạn. Hiện tượng này có thể mở đường cho nhiều cơn bão và hạn hán hơn xuất hiện.
Ảnh hưởng của El Nino có xu hướng lên đến đỉnh điểm vào tháng 12, nhưng phải một thời gian sau đó tác động mới lan rộng trên toàn cầu. Hiệu ứng trễ này là lý do tại sao các nhà dự báo tin rằng, năm 2024 sẽ là năm đầu tiên nhân loại vượt qua ngưỡng nóng lên tới hạn.
Rabobank cho biết, tình trạng khô hạn liên quan đến El Nino ở phần lớn Đông Nam Á, Ấn Độ, Australia và một số khu vực ở châu Phi đã khiến các loại hàng hóa mềm như đường, cà phê và cacao tăng giá trong năm nay. Cùng với đó, một số cây trồng có thể chịu ảnh hưởng bất lợi bởi hiệu ứng này vào đầu năm tới.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi giá nước cam đã tăng vọt 80% trong năm 2023, đạt mức cao nhất mọi thời đại vào cuối tháng 11, sau khi bão và dịch bệnh tàn phá các loại cây có múi ở Florida.
Trong khi đó, giá cacao, một thành phần quan trọng làm nên sô-cô-la, cũng đã tăng 64% trong năm nay lên mức cao nhất trong vòng 46 năm qua, do nguồn cung ở Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lớn và các vấn đề như bệnh nấm.
Tính đến giữa tháng này, giá của giống cà phê Robusta đã đạt mức cao nhất trong 15 năm, giá đường cũng tăng 13% trong năm nay.
Trước tình hình này, các chuyên gia lo ngại rằng nếu không có biện pháp đối phó, khoản phí tăng lên chắc chắn sẽ “tới tay người tiêu dùng” vào một thời điểm nào đó trong năm 2024.