Ổi sạch xóm Tháp, Hương Xuân, TX. Hương Trà |
Thị trường quan trọng và gần chúng ta nhất là Trung Quốc, chiếm hơn 28% kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đang ngày càng “chuẩn hóa” các tiêu chuẩn cho hàng nông sản, mở rộng đường xuất khẩu chính ngạch. Ví dụ như trong khuôn khổ chuyến thăm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình - ngành chức năng của phía Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt nam sang Trung Quốc. Nghị định này ký kết được cho là bước quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước. Mặt hàng dưa hấu tươi của Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 500 triệu USD mỗi năm, có nghĩa là chiếm khoảng 10% trong rổ hàng rau, củ, quả, nhưng những năm trước, không hiếm khi chúng ta bắt gặp hình ảnh những hàng xe nối dài chờ thông quan sang Trung Quốc thì từ nay, có lẽ những hình ảnh này sẽ không lặp lại.
Kim ngạch xuất khẩu tăng và xuất siêu lớn cho thấy, các mặt hàng nông sản của Việt Nam chẳng những đã vươn lên đáp ứng tốt các chuẩn mực quốc tế mà còn thể hiện được sức cạnh tranh mạnh mẽ, không còn lép vế với những đối thủ trong khu vực, như Thái Lan và như những năm trước.
Tất nhiên, đời sống của người nông dân và người dân sống ở khu vực nông thôn theo đó sẽ được nâng cao. Không biết người nông dân đã sống được trên chính sản phẩm mà mình làm ra hay chưa nhưng ít nhất, nó cho thấy quy trình sản xuất, kinh doanh hướng đến hiệu quả kinh tế là điều thấy rõ. Giờ người nông dân không vò võ mình làm được cái gì mà đã làm ra những thứ mà khách hàng cần. Nông dân không còn “ru rú” trong nội địa mà tự tin vươn ra khỏi biên giới. Mà muốn vươn ra xa thì từ sản xuất đến thu hoạch, kiểm nghiệm, đóng gói… phải tuân thủ quy trình quy phạm và những chuẩn mực thỏa thuận quốc tế. Có lẽ đây là điều quan trọng nhất trong chuyển biến về nhận thức trong quản lý nhà nước, cũng như ý thức làm ra sản phẩm chất lượng của người nông dân. Giờ đây muốn giàu không thể “tư duy ao làng” được.
Qua kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, chúng ta thấy khu vực nông thôn giờ đây trở nên quan trọng đối với nền kinh tế và cả an sinh xã hội. Đã từng có những dòng người di cư từ nông thôn ra thành thị. Nơi đây có rất nhiều việc làm dung dưỡng họ, từ các ngành nghề cần nhiều tri thức đến những ngành nghề cần kỹ năng như làm công nhân, thậm chí là làm các nghề buôn bán, dịch vụ tự do… Khi đô thị gặp những khó khăn nhất định (thời gian trong đại dịch và sau đại dịch như hiện nay): đơn hàng sụt giảm, công nhân thất nghiệp; bất động sản, chứng khoán gặp những khó khăn; người dân thắt chặt chi tiêu nên các ngành dịch vụ cũng “co” lại… thì chúng ta thấy có một dòng người trở về quê. Vùng quê, vùng nông thôn đã làm ra hơn 47,8 tỷ USD xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước 11 tháng đầu năm 2023 là hơn 322 tỷ USD, là con số không hề nhỏ. Vùng nông thôn đang thay đổi mạnh mẽ. Từ phát triển kinh tế của vùng nông thôn, có thể nó sẽ thúc đẩy cho quá trình đô thị hóa bền vững hơn nhiều so với sự lan tỏa đô thị hóa như từ trước đến nay, chủ yếu là từ đất đai có phần “mất sinh khí” của đời sống kinh tế thực.