Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, giá gạo ở châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm. Ảnh: Hà Nội Mới 

Khủng hoảng giá gạo châu Á

Thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã tác động mạnh đến châu Á suốt cả năm 2023 - năm ấm nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Hiện tượng El Nino làm gián đoạn các mô hình thời tiết, chuyển hướng lượng mưa và khiến phần lớn khu vực phải hứng chịu điều kiện nóng hơn, khô hơn, dẫn đến sản lượng lúa gạo bị sụt giảm.

Dự báo, El Nino sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất là đến đầu năm 2024. Điều này dẫn đến việc Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, phải hạn chế xuất khẩu, chỉ cho phép xuất khẩu một lượng nhỏ ra nước ngoài.

Sau lệnh cấm của Ấn Độ, giá gạo ở châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm. Giá gạo tại Thái Lan cũng tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008.

Những đợt nắng nóng gay gắt và lượng mưa gió mùa phân bố không đều đã ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng, đẩy lạm phát lương thực lên cao và buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt hơn nữa việc cho vay.

Cá thu Pla thu dần suy kiệt

Sự kết hợp của biến đổi khí hậu, ô nhiễm và đánh bắt quá mức đã bắt đầu làm suy kiệt loài cá yêu thích của Thái Lan - một loại cá thu nhỏ chứa nhiều protein được gọi là “Pla thu” trong tiếng Thái.

Không chỉ số lượng cá bị đánh bắt mỗi năm cao hơn nhiều so với số lượng phục hồi, nhiệt độ nước biển tăng và các kiểu thời tiết khắc nghiệt trong năm 2023 cũng đã gây áp lực lên các hệ sinh thái biển mong manh mà “Pla thu” đang sinh sống, đe dọa sự sinh tồn của loài cá này.

Hy vọng cho năm 2024

Tuy nhiên, bước qua năm 2024, vẫn có một tia hy vọng rằng thế giới có thể khống chế hiện tượng nóng lên toàn cầu khi tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 diễn ra tháng 12/2023, các quốc gia cuối cùng đã nhất trí rằng việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.

Trong những diễn biến tích cực khác, các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng ưu tiên sản xuất xe điện với mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, cũng như đáp ứng các cam kết không phát thải carbon.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đang hướng tới việc hoàn tất các phiên đàm phán về một hiệp ước toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, làm sạch hành tinh và khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ SMCP)