Dòng người tị nạn tiếp tục đổ vào nước Đức. Ảnh minh họa: RIA Novosti/QDND |
Văn phòng Di cư và Người tị nạn Liên bang Đức (BAMF) cho biết trong năm 2023, 351.915 đơn xin tị nạn đã được đăng ký ở Đức, tăng 51% so với một năm trước đó.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser nhấn mạnh “số liệu về người tị nạn năm 2023 cho thấy chúng ta phải liên tục duy trì lộ trình của đất nước trong việc hạn chế tình trạng di cư bất thường”.
Sau các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ đối với các đảng cánh hữu, chính phủ liên minh trung tả của Đức hiện cũng đang phải hướng tới việc tăng cường các biện pháp cứng rắn hơn về vấn đề di cư.
Những tháng vừa qua, Bộ trưởng Faeser đã công bố các biện pháp kiểm soát tạm thời của cảnh sát tại biên giới Đức, đồng thời nỗ lực ký kết các thỏa thuận di cư với các nước đối tác nhằm đẩy nhanh tốc độ trục xuất.
Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Faeser đã ca ngợi một thỏa thuận gần đây nhằm cải cách chính sách tị nạn của Liên minh châu Âu, theo đó những người có ít triển vọng được bảo vệ sẽ được xử lý đơn đăng ký tị nạn tại biên giới bên ngoài EU.
Năm 2023, hầu hết những người nộp đơn xin tị nạn ở Đức đều đến từ Syria (104.651 người), tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (62.624 người), Afghanistan (53.582 người), Iraq, Iran, và Georgia..., dữ liệu từ BAMF cho thấy. Cơ quan này cũng tiết lộ đã cấp quy chế bảo vệ cho 52% các trường hợp đã được xử lý.
Thực tế, di cư đã trở thành một vấn đề chính trị lớn đối với chính phủ và là một chủ đề nóng ở Đức khi các cộng đồng địa phương đang phải vật lộn để tìm nơi ở cho nhiều người tị nạn mới đến. Với hơn 3 triệu người tị nạn hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Scholz đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Scholz và 16 thống đốc bang đã đồng ý về các biện pháp mới và chặt chẽ hơn nhằm hạn chế số lượng lớn người di cư đổ vào nước này, đạt được thỏa hiệp bao gồm đẩy nhanh thủ tục tị nạn, hạn chế quyền lợi cho người xin tị nạn và chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các tiểu bang và cộng đồng địa phương để đối phó với dòng người di cư đổ vào.
Trong một biện pháp khác nhằm hạn chế số lượng người di cư trong nước, chính phủ Đức cũng đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trục xuất những người xin tị nạn không thành công và tăng cường hình phạt đối với những kẻ đưa lậu người di cư.