Tỉ mỉ làm sạch rêu |
“Bất tử”
Ngoài tự nhiên, các mảng rêu xanh lớn thường được bắt gặp ở vùng núi, ẩm ướt, những cánh rừng có độ ẩm cao. Với đặc trưng không hại đến thực vật được trồng chung, lại tạo độ ẩm, rêu luôn là lựa chọn được dùng để làm nền cho các loại tiểu cảnh, thủy sinh. Thế nhưng với tranh rêu nghệ thuật, những mảng rêu xanh không chỉ đơn thuần được lựa chọn, chúng còn cần được xử lý kỹ lưỡng trước khi ghép vào tranh.
Phước Sơn cho biết, đặc thù của các bức tranh rêu nghệ thuật đó là sẽ được treo trong phòng khách hoặc trang trí cho các không gian lớn (thường là những nơi sáng sủa, khô ráo). Bởi thế, sẽ khá bất tiện để có thể chăm sóc, bảo dưỡng nếu giữ nguyên hiện trạng tự nhiên của rêu. “Vì thế, các loại rêu được dùng để ghép vào tranh phải được xử lý kỹ càng để dù không cần chăm sóc trong một thời gian dài, rêu vẫn giữ được màu sắc và hình dạng. Chúng được gọi là rêu bất tử hoặc rêu bảo tồn”, Phước Sơn nói.
Rêu bất tử là loại rêu đã được làm sạch bùn đất, các loại côn trùng hay nấm mốc. Sau khi làm sạch, cụm rêu sẽ được xử lý đặc biệt để làm cho các tế bào của lớp rêu ngủ đông, không bị phân hủy nữa. Từ đó, Phước Sơn có thể ốp, ghép, phối, kết hợp rêu với những chất liệu khác để tạo nên các bức tranh độc đáo.
Tranh rêu mang đến cảm giác an yên với mảng xanh tự nhiên dịu nhẹ |
Thông thường, tranh rêu nghệ thuật sẽ được chia thành hai dạng, đó là tranh rêu tối giản và tranh rêu biến tấu. Với tranh rêu tối giản, đặc trưng của bức tranh đó là chỉ sử dụng rất ít các nguyên, vật liệu. Thông thường, trên 90% diện tích tranh sẽ được lấp đầy bởi những cụm rêu. “Vì vậy, để bức tranh sống động, hút mắt, mình phải tận dụng từng ưu điểm về hình dáng và màu sắc của các loại rêu để tạo nên các lớp cũng như hiệu ứng thị giác cho tranh”, Sơn cho biết.
Thổi hồn vào rêu
Đơn cử như rêu Weeping, đặc trưng của loại rêu này là tán khá rũ, vì thế thường được dùng để tạo nên độ mềm mại cho tranh. Còn với rêu Reindeer Moss, kết cấu xốp, dạng sợi chia nhánh và hình dáng thuôn bầu của cụm rêu rất phù hợp để tạo những cụm, u rêu trong tranh.
Phước Sơn cho biết thêm: “Dù là loại tranh rêu nào, việc phối, kết hợp để tôn lên vẻ đẹp của rêu, sự hài hòa, thu hút của tổng quan bố cục cho đến logic của từng chi tiết nhỏ cũng đều vô cùng quan trọng. Bởi thế, cùng với tranh rêu tối giản, khi phối, kết hợp với các nguyên, vật liệu khác để tạo nên các bức tranh rêu biến tấu, việc am hiểu về các nguyên, vật liệu cũng như có con mắt thẩm mỹ là điều không thể thiếu”.
Sự mềm mại trong hình dáng và màu sắc tươi tắn của rêu phù hợp với các nguyên, vật liệu thô ráp, trầm lắng như sỏi, đất, đá, rễ cây, gỗ lũa, xương hóa thạch các loại. Vì thế, đây là các nguyên, vật liệu thường được lựa chọn để phối, kết hợp với rêu trong các bức tranh biến tấu.
Nhưng dù với lựa chọn gì đi nữa, thiên nhiên vẫn là cảm hứng bất tận để Phước Sơn hoàn thành các bức tranh của mình. Anh nói: “Đặc thù công việc nên mình thường hay có mặt ở các con suối, vùng núi ẩm ướt. Những chuyến đi giúp mình có thêm vốn kiến thức về rêu, các loài cây cỏ, động vật. Đồng thời, nó mang đến cho mình nguồn năng lượng và cảm hứng để sáng tạo nên những bức tranh rêu khác nhau”.
Có lẽ vì thế, dù với bức tranh có kích thước nhỏ từ vài chục centimet đến tranh có kích thước lớn, Sơn đều tỉ mẩn, khéo léo để “thổi” những cảm hứng, ý tưởng của mình vào tranh. Khi ngắm tranh rêu, điều mà khách hàng cảm nhận được luôn là cảm giác bình yên, dễ chịu và lắng mình với những mảng xanh.
Thúy Khuyên, nữ khách hàng mua tranh rêu cho biết: “Nhà mình ở TP. Hồ Chí Minh, không gian sống khá bí bách vì là nhà chung cư, lại có các bé còn khá nhỏ. Vì thế khi mua tranh, mình đã rất vui. Phòng khách trở nên đẹp, sáng sủa, dễ chịu và thanh bình hơn, các con mình cũng được ngắm rêu mà không cần phải bỏ công chăm sóc cầu kỳ”.
Ảnh: Phước Sơn - Tuệ Lâm