Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay sẽ diễn ra từ ngày 15 - 19/1 tại Davos (Thụy Sĩ). Ảnh minh hoạ: Hà Nội Mới |
Tăng trưởng chậm chạp đã đeo bám nền kinh tế thế giới quá lâu. Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp, qua đó đánh dấu mức giảm “kỷ lục đáng tiếc vào cuối năm 2024”, với tăng trưởng bị cản trở bởi chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị và thương mại, đầu tư toàn cầu yếu kém.
Bối cảnh này đã khiến WEF, sự kiện diễn ra từ ngày 15/1 – 19/1 năm nay trở nên phù hợp với thế giới.
Klaud Schwab, Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch điều hành WEF kêu gọi cộng đồng quốc tế tái xây dựng niềm tin và triển khai các biện pháp toàn cầu mạnh mẽ, hiệu quả để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế thế giới đang ốm yếu.
Kinh tế thế giới đang yếu đi
Chủ tịch WEF Borge Brende cho biết, các yếu tố như khủng hoảng nợ, lạm phát và lãi suất cao, cũng như hoạt động thương mại yếu kém đã và đang cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi tổng mức nợ toàn cầu hiện chiếm hơn 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, mức cao nhất trong hơn một thế kỷ và tình hình đang rất nghiêm trọng, Chủ tịch Borge Brende nhấn mạnh.
Thương mại toàn cầu trở nên mờ nhạt khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng của khối lượng thương mại hàng hoá thế giới xuống còn 0,8% vào năm 2023. Chủ tịch WEF Borge Brende cho rằng, điều này đã kìm hãm đà phục hồi kinh tế vì thương mại toàn cầu là một trong những động lực tăng trưởng chính.
Bên cạnh đó, lạm phát cũng được nhận xét là có hiệu ứng domino đối với lãi suất và đầu tư. Cụ thể, nếu lạm phát toàn cầu giảm, lãi suất sẽ giảm theo, qua đó kích thích tăng trưởng đầu tư, tạo thêm việc làm và thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Trong một nhận xét có liên quan, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng dự đoán năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức chậm nhất kể từ năm 2020.
Liên Hiệp quốc cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại tương tự. Cụ thể, trong Báo cáo Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới 2023 mới công bố, Liên Hiệp quốc cho biết lãi suất cao liên tục, xung đột leo thang, thương mại quốc tế trì trệ và thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng đã và đang đặt ra những thách thức đáng kể đối với tăng trưởng toàn cầu. Báo cáo cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% vào năm 2023 xuống còn 2,4% vào năm 2024, qua đó thể hiện xu hướng thấp hơn tốc độ tăng trưởng chạm mốc 3% của giai đoạn trước đại dịch.
Tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn và phát triển, đặc biệt là Mỹ, được dự đoán sẽ giảm tốc vào năm 2024 do lãi suất cao, chi tiêu tiêu dùng chậm lại và thị trường lao động yếu hơn.
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực Đông Á, Tây Á, Mỹ Latinh và Caribe cũng đang xấu đi do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, không gian tài chính bị thu hẹp và nhu cầu bên ngoài trì trệ.
Tái xây dựng niềm tin, thúc đẩy tăng trưởng
Các chủ đề chính tại diễn đàn WEF lần này sẽ bao gồm từ mục tiêu đạt được an ninh và hợp tác trong một thế giới bị chia rẽ, tạo việc làm và tăng trưởng cho kỷ nguyên mới, cho đến chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng. Các nhà phân tích tin rằng những chủ đề này có liên quan đến việc mở đường cho tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Vài ngày trước khi cuộc họp thường niên này diễn ra, Chủ tịch Klaud Schwab đã nhận định rằng việc gia tăng chia rẽ, gia tăng sự thù địch và xung đột đang diễn ra đã cộng hưởng để tạo thành những đặc điểm của tình hình toàn cầu hiện nay. Mức độ bi quan hiện nay là chưa từng có và nhiệm vụ tái xây dựng niềm tin vào tương lai là vô cùng quan trọng.
Nhân đây, ông cũng kêu gọi các nước tận dụng các cơ hội để phát triển nền kinh tế xanh, kỹ thuật số và nền kinh tế toàn diện để tạo việc làm, tăng sức mua và cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cùng với đó, báo cáo của Liên Hiệp quốc cũng kêu gọi triển khai các biện pháp hợp tác toàn cầu mạnh mẽ và hiệu quả nhằm tránh khủng hoảng nợ và cung cấp đủ vốn cho các nước đang phát triển. Trong đó, báo cáo cho biết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có tình hình tài chính mong manh cần được giảm nợ và tái cơ cấu nợ để tránh chu kỳ dài hạn của đầu tư yếu kém, tăng trưởng chậm và gánh nặng trả nợ nặng nề.
Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres cho biết: “2024 phải là năm chúng ta thoát ra khỏi vũng lầy này. Bằng cách mở ra những khoản đầu tư lớn và táo bạo, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững và hành động vì khí hậu, đồng thời đưa nền kinh tế toàn cầu vào con đường tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho tất cả mọi người”.