Sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn

Báo cáo tại hội nghị, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về "Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn về KH&CN của cả nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030" và nhiệm vụ công tác của ngành, trong năm, ngành KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua nhiều chương trình, đề án quan trọng của ngành.

Các thiết chế nhằm xây dựng Trung tâm KH&CN lớn của cả nước được quan tâm, Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án "Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" được phê duyệt.

Hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN được tăng cường, tỷ lệ đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong các ngành kinh tế có hiệu quả, ước đạt 65%. Hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) được chú trọng. Cuộc thi KNĐMST tỉnh năm 2023 được tổ chức thành công với số lượng hồ sơ dự thi cao nhất từ trước đến nay.

Các hoạt động quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; sở hữu trí tuệ (SHTT); an toàn bức xạ hạt nhân được đẩy mạnh; công tác quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh, hoạt động KH&CN cấp cơ sở được quan tâm, chú trọng... Đã tiếp nhận, tổ chức thẩm định hỗ trợ 46 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh...

Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho ra sản phẩm thương mại  

Năm 2024, ngành KH&CN tiếp tục tham mưu thực hiện các chương trình, đề án, các văn bản liên quan. Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao tiềm lực, nhân lực KH&CN; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân; SHTT; KNĐMST; tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng..., phấn đấu tốc độ năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 50% và tỷ lệ đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong các ngành kinh tế có hiệu quả đạt 65%.

Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, Sở KH&CN đã báo cáo những mặt được, tồn tại và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Trong đó, giai đoạn 2021-2023, ngành KH&CN đã thực hiện 4/9 chỉ tiêu cơ bản tiệm cận/đạt kế hoạch (gồm: tỷ lệ kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN được thương mại hóa sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ quyền SHTT; số bài báo KH&CN được đăng trên tạp chí quốc gia, quốc tế đến năm 2025 tăng 1,5 lần so với năm 2020; số lượng đặc sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị).

Có 3/9 chỉ tiêu tiếp tục đạt kế hoạch vào năm 2025 (chỉ tiêu TFP trong tăng trưởng GRDP của tỉnh; bảo đảm mức đầu tư cho hoạt động KH&CN đạt 1,5% tổng ngân sách địa phương vào năm 2025; số ý tưởng, dự án KNĐMST được hỗ trợ) và 2/9 chỉ tiêu khả năng không đạt kế hoạch (hình thành 10 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2025; số lượng công nghệ/sản phẩm/sáng chế được chuyển giao và có nguồn thu).

 Khen thưởng các đơn vị, địa phương tích cực trong ứng dụng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống quản lý chất lượng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở, ngành KH&CN bám sát các chương trình, đề án, hoạt động của Bộ KHCN, các bộ, ngành Trung ương để nâng cao vị thế, vai trò của ngành KHCN đối với tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát huy hiệu quả các đề tài KHCN cấp quốc gia, cấp Bộ được triển khai tại Huế. Tuyên truyền, giới thiệu, nâng cao hình ảnh của KHCN tỉnh đối với khu vực miền Trung cũng như cả nước.

Tập trung thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy về việc xây dựng các thiết chế KHCN trên địa bàn tỉnh: phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia; xây dựng Đại học Y dược Huế thành mô hình "Trường - Viện" đạt chuẩn quốc gia và quốc tế; Viện Công nghệ sinh học trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia... Phát huy thế mạnh, giá trị nguồn nhân lực KHCN trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, hiệu quả ứng dụng của đề tài KHCN. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Sở KH&CN cần quy chuẩn, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thực chất, minh bạch. Ngành cần phát triển và phát huy cơ chế phối hợp triển khai hoạt động KNĐMST một cách đồng bộ, thực tế để tạo hệ sinh thái KNĐMST mạnh, hiệu quả, có sản phẩm thực; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành KHCN, đưa hàm lượng KHCN vào các đơn vị, lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể...

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG