Cùng với Ấn Độ, Việt Nam cũng là lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN 

Theo khảo sát, 59% số người được hỏi cho rằng có phần rủi ro, hoặc rất rủi ro đối với nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, so với chỉ 39% số người bày tỏ lo ngại này đối với Ấn Độ.

Ông Samir N. Kapadia, Trưởng bộ phận giao dịch thuộc Công ty tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group cho biết các công ty đang coi Ấn Độ là một chiến lược đầu tư dài hạn để tránh các vấn đề về thuế quan.

Dẫn đầu bởi Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Narendra Modi, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang ngày càng ấm lên, với chính sách “friendshoring” (chuyển sản xuất đến các quốc gia được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, để tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh) nhằm khuyến khích các công ty Mỹ đa dạng hóa khỏi Trung Quốc cũng đã biến Ấn Độ thành một sự thay thế hấp dẫn.

Mối quan hệ Mỹ-Ấn cũng đã đánh dấu một chương mới với chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ Modi đến Nhà Trắng vào tháng 6/2023, khi một loạt các giao dịch hợp tác lớn trong đa dạng hóa quốc phòng, công nghệ và chuỗi cung ứng đã được ký kết.

Gần đây, Ấn Độ cũng chứng kiến một loạt các thông báo về các khoản đầu tư đổ vào đất nước. Đầu tháng này, nhà sản xuất ô tô Maruti Suzuki tuyên bố sẽ đầu tư 4,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy thứ hai trong nước. Nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam Vinfast mới đây cũng cho biết sẽ chi khoảng 2 tỷ USD để thành lập một nhà máy tại Ấn Độ.

Vẫn còn rủi ro

Bên cạnh sự lạc quan, các công ty Mỹ vẫn thận trọng với khả năng chuỗi cung ứng của Ấn Độ.

Cuộc khảo sát cho thấy 55% số người được hỏi cho rằng việc đảm bảo chất lượng là một rủi ro ở mức trung bình mà họ có thể phải đối mặt nếu có các nhà máy ở Ấn Độ.

Hồi tháng 9/2023, Pegatron - nhà cung cấp của Apple, đã phải tạm thời ngừng hoạt động tại nhà máy ở khu vực Chengalpattu gần Chennai sau khi một đám cháy bùng phát. Bên cạnh đó, rủi ro giao hàng (48%) và trộm cắp IP (48%) cũng là những mối lo ngại cho các công ty Mỹ khi nghĩ đến Ấn Độ.

Thực tế, nhiều nhà phân tích đều cho rằng sẽ không thể chuyển đổi chuỗi cung ứng hoàn toàn khỏi Trung Quốc. “Trung Quốc sẽ luôn là nền tảng của chiến lược chuỗi cung ứng của Mỹ”, ông Kapadia nhận định.

Các khoản đầu tư vào Trung Quốc vẫn mạnh mẽ và đây vẫn là “sự lựa chọn thứ hai” của nhiều nhà đầu tư, ông Raymund Chao, đại diện cấp cao của PWC cho biết.

Việt Nam là lựa chọn tốt

Tương tự như Ấn Độ, Việt Nam cũng là lựa chọn ưa thích trong tâm trí của các nhà đầu tư khi áp dụng một chiến lược “Trung Quốc + 1”, CNBC nhận xét.

Sự lạc quan trên thị trường Việt Nam đã dẫn đến sự gia tăng hơn 14% các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm ngoái so với năm 2022.

Theo dữ liệu của LSEG, 29 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cam kết đổ vào Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023.

Tuy nhiên, ông Kapadia cho rằng sẽ khó để Việt Nam đạt được những thành tựu như Ấn Độ khi đất nước đông dân nhất thế giới này có thể cung cấp một cơ sở khách hàng lớn hơn nhiều so với Việt Nam – một lợi thế mà nhiều doanh nghiệp rất chú trọng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNBC)