Nào những gian hàng sinh vật cảnh trưng bày và bán sản phẩm san sát bên nhau. Đẹp và sinh động nhất phải kể đến mai vàng xứ Huế mà các nghệ nhân đã dày công chăm sóc, tạo dáng, bên những cành đào Nhật Tân, không uốn nắn, vẫn hấp dẫn.
Mai vàng Huế trong chậu kiểng, nếu không bán được, càng nhiều năm càng phong trần, không như mai cắt rời cắm trong độc bình chưng giữa nhà, nếu bán không được thì chỉ đem về.
Còn hoa cúc đại đóa, có lẽ chiếm tỷ lệ cao nhất, dễ dàng bán nếu trời thương tình thì đừng mưa gió. Cao điểm, trước tết ba ngày, mức tiêu thụ loài hoa này giá cả lên, xuống tùy thuộc vào thiên nhiên. Có những năm người bán gặp thời tiết mưa dầm lạnh lẽo, khách mua ngại về phố. Họ chờ đến đêm ba mươi mới đi mua, dẫu đắt hay rẻ.
Những hàng mỹ nghệ khác, người bán cảm thấy nhàn, đỡ vất vả hơn, vừa uống trà, vừa chờ khách đến với nụ cười niềm nở, thân thiện, thể hiện trên nét mặt những người trẻ. Người mua, thích ngắm hoa và các mặt hàng khác như khúc dạo đầu, như là “cưỡi ngựa xem hoa” vào những ngày cuối năm tháng chạp, rồi thủng thẳng qua chợ ngắm lại những sản phẩm nào mình thích, rồi trả giá mua, mang về chưng tết. Người bán sành điệu vẫn biết vậy, âu đó là cuộc sống đời thường trên bước đường mưu sinh.
Ngày xuân, con cháu về sum họp, đoàn tụ. Tháng Chạp bắc cầu, nối tình quê bằng sợi dây vô hình. Dường như hương linh tổ tiên, ông bà từ thuở nào đang về bên cạnh chúng ta, hòa vào không gian tháng Chạp của bao mùa xuân đang chảy qua từng người với niềm cảm xúc thiêng liêng.