Biến đổi khí hậu đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 

Cụ thể, ông Alexander Matheou cho biết: “Chúng ta hiện đang sống trong tình trạng khẩn cấp kéo dài do rủi ro khí hậu gia tăng và điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi người trên thế giới, trong đó một số quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn các nước khác. Giải thích về nhận định này, IFRC cho biết, một số quốc gia dễ bị tổn thương hơn là do phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn và năng lực thích ứng của họ cũng thấp hơn.

Tổ chức này dự đoán đến năm 2030, mỗi năm sẽ ghi nhận 560 thảm họa xảy ra, có khả năng đẩy 37,6 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFRC cảnh báo rằng các nước như Bangladesh và Philippines vẫn sẽ dễ bị tổn thương trước những cơn bão cực kỳ tàn khốc.

Hơn nữa, tổ chức IFRC cũng dự đoán, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các bệnh nhiệt đới như sốt xuất huyết xảy ra trong khu vực. Đến năm 2050, ước tính khoảng 500 - 700 triệu người ở đây sẽ phải đối mặt với nguy cơ các đợt nắng nóng gây chết người tăng 20%.

Trong đó, các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể nhận được ít hỗ trợ hơn từ các quỹ nhân đạo quốc tế do những rủi ro do con người gây ra như xung đột giữa Nga và Ukraine, Israel và Palestine… ngày càng gia tăng ở phần còn lại của thế giới, đòi hỏi các khu vực này được quan tâm nhiều hơn.

Trước tình hình này, Giám đốc Alexander Matheou kêu gọi mọi người xem xét một cách nghiêm túc về những rủi ro khí hậu, đặc biệt là khi nhiều quốc gia ở châu Á và trên thế giới sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay.

“Đây là một năm bầu cử quan trọng đối với thế giới. Đối với những cử tri có quyền đi bầu cử, hãy xem xét đến những người lãnh đạo coi trọng rủi ro khí hậu và đầu tư vào việc chuẩn bị đối phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc. Đó là điều chúng ta nên làm”.

Đan Lê (Lược dịch từ Nikkei Asia)